Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi sao di chuyển nhanh như tia chớp

Một ngôi sao xung di chuyển với vận tốc lên tới 8 triệu km mỗi giờ, để lại một dải vật chất có chiều dài khoảng 37 năm ánh sáng.

Kính thiên văn không gian Chandra của Mỹ phát hiện một ngôi sao xung lao rất nhanh trong chòm sao Carina. Họ gọi nó là IGR J11014-6103. Vận tốc của ngôi sao xung này dao động từ 4 tới 8 triệu km/h, tức là từ hơn 1.100 tới 2.200 km/s. Dải vật chất mà ngôi sao xung để lại có chiều dài 37 năm ánh sáng, tương đường gần 348 nghìn tỷ km, Space đưa tin.

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy một vật thể di chuyển nhanh như thế. Nó cũng là ngôi sao xung đầu tiên tạo ra một vệt vật chất trong số những ngôi sao xung mà giới thiên văn từng phát hiện. Chiều dài của vệt vật chất mà ngôi sao tạo ra lớn gấp gần 10 lần so với khoảng cách giữa mặt trời và ngôi sao gần nó nhất", Lucia Pavan, một nhà thiên văn của Đại học Geneva tại Thụy Sĩ, phát biểu.

Hình minh họa một sao xung. Ảnh: Daily Galaxy

Sao xung (hay pulsar) là các sao neutron xoay rất nhanh, biểu hiện như một nguồn sóng radio, phát ra đều đặn ở các chu kì ngắn.  Chúng hình thành khi lõi của những ngôi sao siêu lớn sụp đổ vào bên trong ở giai đoạn cuối của cuộc đời.

Tháng trước các sinh viên thiên văn của Đại học Vanderbilt tại Mỹ phát hiện 20 ngôi sao đang di chuyển nhanh hơn so với những ngôi sao khác. Dù không phải là sao xung, vận tốc của chúng vẫn lên tới hơn 1,6 triệu km/h - đủ lớn để chúng cùng thoát khỏi Ngân Hà vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Những ngôi sao siêu tốc khá nhỏ. Kích thước của chúng chỉ tương đương mặt trời. Song một điều lạ nữa là dường như chúng không xuất phát từ trung tâm của dải Ngân Hà.

"Chúng rất khác so với những ngôi sao mà chúng ta từng phát hiện trước đây, bởi vị trí ban đầu của chúng không phải trung tâm của thiên hà", Lauren Palladino, một nữ sinh viên của Đại học Vanderbilt, phát biểu.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm