Đối với Rob Costigan, 18 tháng qua thực sự như địa ngục.
Người nông dân này vừa mất đi ngôi nhà mơ ước trong trận lũ lụt đang hoành hành khắp Australia.
Phòng khách trải thảm của ông Costigan trông giống như một đầm lầy, còn chiếc TV màn hình phẳng đã trôi sang phòng bên cạnh. Nhà bếp trước đây được lát ván sàn sáng loáng, nay đã bị xóa sổ.
Bên cạnh đó, nhà của bố vợ ông Costigan bị xé làm đôi vì cột điện đổ vào.
"Tôi không biết phải nói gì. Thót hết cả ruột gan lại. Nhưng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu", ông Costigan nói với BBC.
|
Ngôi nhà của ông Rob Costigan trước và sau vụ lũ lụt. Ảnh: Rob Costigan. |
Hàng loạt thiên tai liên tiếp
Những mất mát này càng xót xa hơn nữa vì mới một năm trước, gia đình Costigan từng phải chật vật cứu ngôi nhà khỏi đám cháy rừng khổng lồ ở Australia.
Mùa hè năm 2020, khi ngọn lửa lớn liếm đến gần ngôi nhà của ông Costigan ở thung lũng phía bắc Sydney, ông dành 7 ngày để ngăn ngọn lửa bén vào cửa trước và không cho đám cháy bao phủ ngôi nhà.
Vào thời điểm đó, hạn hán kéo dài nhiều năm đã làm cho nguồn nước cạn kiệt. Vì vậy, người dân địa phương phải bơm nước từ một con lạch để chống cháy dưới bầu trời đã biến thành màu đỏ rực.
Ông Costigan cho biết ông hầu như không ngủ trong tuần đó. Cuối cùng, những nỗ lực của ông được đền đáp. Costigan giữ được nguyên vẹn ngôi nhà sau thảm họa.
Nhưng đến những ngày qua, nước sông tràn bờ và vẫn tiếp tục dâng cao. Ngôi nhà của ông bị nhấn chìm trong thung lũng.
Trong tuần này, giống như rất nhiều cộng đồng dân cư ở miền Đông Australia, gia đình Costigan đang quay cuồng với một chuỗi các cuộc khủng hoảng.
Đầu tiên là hạn hán, rồi những vụ cháy rừng chưa từng có, sau đó là đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế, và giờ là trận mưa như trút nước chưa từng có trong 50 năm qua.
Trận lũ lụt tràn vào nhà khiến phòng ngủ của gia đình ông Costigan bị hư hỏng. Ảnh: Rob Costigan. |
"Có cảm giác như chúng tôi đang bị trừng phạt vì điều gì đó. Nghiệp xấu hay cái gì đó tương tự vậy", ông Costigan nói.
Nhiều trang trại và đồng cỏ từng bị lửa thiêu rụi vào năm 2020 giờ lại hứng chịu lũ lụt. Trong số đó có các khu vực phía bắc và phía tây của Sydney, vùng Mid - North Coast của bang New South Wales và phía đông nam bang Queensland.
Khoảng 10 triệu người vẫn ở trong vùng có cảnh báo thời tiết xấu và khoảng 18.000 người đã được sơ tán ở New South Wales.
Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết: “Tôi không biết trong lịch sử của bang này có thời điểm nào mà chúng tôi lại gặp phải thiên tai liên tiếp xảy ra giữa đại dịch như vậy không".
"Khi trải qua ba hoặc bốn biến cố thay đổi cuộc đời chồng chất lên nhau, chúng tôi cảm thấy như mình đang đến giới hạn", bà Berejiklian nói.
Lũ lụt còn tồi tệ hơn hỏa hoạn
Tại thị trấn Wauchope, Felicity và April Crocker nhận quyền sở hữu một quán cà phê vào tháng 3/2020. Hai người coi đây là công việc ổn định hơn những công việc trước của họ.
Nhưng không lâu sau đó, Covid-19 ập đến, khiến khách hàng cũng biến mất. Không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của chính phủ, gia đình Crockers đã tiêu tất cả khoản dành dụm cho sinh hoạt phí.
Giờ đây, quán cà phê của họ cũng bị ngập. Bảo hiểm họ mua không chi trả cho thiệt hại liên quan đến nước hoặc bão. Nhà Crockers cho biết họ đã "mất rất nhiều".
Đối với Lisa Farrawell ở thị trấn Crescent Heads gần đó, nước dâng còn kinh hoàng hơn cả cháy rừng. Năm ngoái, khi đang lái xe qua bụi rậm, xe của Farrawell bị ngọn lửa liếm vào phía sau. Cô bị mắc kẹt trong nhiều giờ trước khi được giải cứu.
"Cây cối đổ rạp xung quanh chúng tôi, sức nóng bắt đầu phả vào và làm tan chảy lốp xe, trong khi mọi người đang cạn kiệt nước. Lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết", cô nói.
Nhưng cô cho rằng tình hình bây giờ còn tồi tệ hơn, vì mưa tiếp tục rơi và nước dâng cao. "Khi nào thì tình trạng này mới chấm dứt đây?", Farrawell tự hỏi.
Nước lụt ngập đường ở thị trấn Old Pitt, phía tây bắc Sydney hôm 21/3. Ảnh: AP. |
Thị trấn bị cắt điện do lũ lụt đã nhấn chìm những con đường dẫn từ đây ra bên ngoài. Sau khi con trai của Farrawell được sơ tán khỏi trường họp ở Kempsey, cô không được gặp con trong ba ngày dù chỉ ở cách đó một quãng ngắn.
"Mọi người đang cảm thấy phát ốm. Họ đang cảm thấy buồn. Những người bạn cùng quê gọi tôi lúc 3h sáng trong cơn hoảng loạn. Họ không thể ngủ được. Đây có lẽ là lần tồi tệ nhất", Farrawell chia sẻ.
Cố gắng vượt qua khủng hoảng
Nhiều khu vực trên khắp Australia bị đánh dấu là khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ở những nơi này, người dân được quyền nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ. Số tiền trợ cấp ít nhất là 770 USD/người lớn.
Nhưng ngay cả khi nước rút đi, việc một lần nữa phải dọn dẹp đống đổ nát và phục hồi sau thiên tai sẽ là một nhiệm vụ khổng lồ khác.
Cô Farrawell cho biết người dân ở đây đang ở trong trạng thái khủng hoảng và hành động theo bản năng. Họ kiệt sức và sa sút tinh thần.
Ông Rob Costigan (trái). Ảnh: Rob Costigan. |
"Tôi nghĩ rằng đó là vì họ chỉ vừa mới vượt qua được vụ cháy rừng. Thật khó để chiến đấu với nó, và giờ trận lũ lụt còn giáng một đòn mạnh hơn", cô nói.
Tuy nhiên, ông Costigan vẫn lạc quan. Gia đình ông có thể cần phải chuyển vào sống trong nhà xe di động vài tháng tới. Bạn bè của ông cũng bắt đầu chiến dịch kêu gọi quyên góp từ cộng đồng để giúp ông xây lại nhà.
“Đây là Australia. Những gì đã qua chỉ là kiểu khí hậu ở nơi mà chúng tôi đang sống thôi", ông nói.
Australia được biết đến với khí hậu khắc nghiệt, hay xảy ra hạn hán, hỏa hoạn và lũ lụt. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định tần suất và mức độ tác động của các hiện tượng cực đoan đang tăng lên do biến đổi khí hậu.
"Hỏa hoạn và hạn hán không đánh gục được chúng tôi, và chúng tôi cũng đang dần vượt qua đại dịch này. Điều này sẽ không ngăn cản tôi tiếp tục cố cắng", ông Costigan nói.