Tới 9h sáng 31/7, thời tiết xã đảo Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng) đã dần tạnh. Thỉnh thoảng lại có trận mưa ào xuống rồi dứt. Cuối giờ sáng, trời bắt đầu hửng nắng. Người dân xã đảo chưa thể chạy về nhà kiểm tra tài sản và dọn dẹp bởi nước lũ còn cao.
So với hai ngày qua, mực nước trên toàn xã đảo mới chỉ rút đi chừng 1 m. Hiện, toàn khu vực xóm 1 nước vẫn còn bao trùm. Khắp các cánh đồng trồng lúa, khoai của làng đều đã ngập úng.
Hải Phòng ngập trong biển nước. |
Bà Trần thị Xuyến, 60 tuổi (xóm 2) rầu rĩ nói: "Nhà tôi bị trôi mất hơn 3 tạ thóc. Mấy hôm rồi mưa như trút nhưng có ai nghĩ là nó kéo dài tới mức ngập úng như thế này. Cả làng chẳng ai chạy được đồ đạc vì nước ào vào nhà nhanh quá. Giờ thấy trời tạnh dần, chúng tôi mừng nhưng lại lo vì khi nước rút, vào nhà đồ đạc bị hư hỏng hết. Cả nhà có ít thóc để dự trữ nay cũng không còn. Chẳng biết, sau mưa lũ, cả nhà sẽ sống bằng gì...".
Còn bà Thái (78 tuổi) cay đắng cho hay: "Tôi sống ở đây đã 70 năm rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến làng này bị nước lũ tràn vào như thế. Mọi bận, nếu có mưa, mưa to tới bao nhiêu thì cũng không bị ngập lụt như thế. Giờ thì nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm, không còn gì cả".
Bà Trần Thị Thu (60 tuổi, xóm 1) đang chăm sóc đàn gà non còn sống sót ngoài cửa chia sẻ: "Vừa rồi, lũ lụt làm cả xóm chết hết cả gia súc, gia cầm. Riêng nhà tôi, may ở trên dốc cao nên nước lũ chỉ tràn vào vài tiếng rồi đẩy xuống xóm dưới. Đàn gà cũng vì thế mà còn sống sót lại được hơn chục con".
Chèo thuyền kayak trên nước. |
Lấy thuyền kayak đưa người thân ra ngoài bến tàu, anh Huy (30 tuổi, người trong xóm núi) nói: "Khi đang ở trong thành phố cùng mẹ chăm chị gái mới sinh, nghe tin làng bị ngập lụt, mẹ tôi cuống quýt bắt tôi đón tàu về nhà ngay. Khi về tới làng, thấy nước lũ dâng tràn ngập làng, nhà cửa bị chìm nghỉm không thấy đâu, tôi bàng hoàng muốn xỉu. Tôi bơi ngay về nhà, khu nhà tôi ở là dốc cao của làng nên nước chỉ ngập vào trong nhà 40 cm".
Ông Nguyễn Văn Quý, ngoài 70 tuổi chậm rãi kể: "Khoảng 3h sáng 28/7, khi cả nhà tôi đang ngủ bỗng nghe tiếng rào rào như tiếng máy bay đằng sau nhà. Giật mình tỉnh dậy, tôi mở cửa ra xem thì thấy nước lũ từ trên vách núi lao ầm ầm xuống dưới khu nhà chúng tôi.
Vội hô hào mọi người dậy, tôi hoảng quá đóng vội cửa lại và nghĩ cách xử lý. Chưa đầy 10 phút sau, nước tràn tới cửa nhà rồi cứ thế ngập cao hơn mét. Suốt từ 3h sáng tới 9h sáng, cả khu trên này nước ngập tới chân giường. Tới 14h cùng ngày thì nước tràn xuống xóm dưới. May sao có bộ đội biên phòng vào ứng cứu kịp thời nên người dân sơ tán an toàn".
Với tình trạng mưa như trút nước và ngập lụt trong mấy ngày qua, xã Việt Hải vốn đã xa xôi nay lại càng bị cô lập bởi tuyến đường bộ vào xã có nhiều điểm sạt lở và hoàn toàn ngập trắng trong nước.
Thiếu tá Hoàng Thanh Hải - đồn phó Đồn biên phòng 54, người trực tiếp chỉ huy lo chống mưa lũ ở đây cho biết: "Ngay đầu làng, trạm y tế của xã và trụ sở tổ biên phòng cũng bị nước lũ tràn vào ngang nhà. Những mái nhà trong thôn bắt đầu bị lũ tấn công trong thoáng chốc. Trời tiếp tục mưa. Đến tối, mưa trắng đồng. Toàn bộ đường giao thông trong xã bỗng chốc biến thành sông.
Người dân phải dùng thuyền để đi lại. |
Hơn 30 chiến sĩ biên phòng ngoài đồn được huy động tăng cường mang phao cứu sinh và thuyền, xuồng vào ứng cứu cùng người dân. Tới sáng 29/7, khi đã ổn định được tình hình trong làng, chúng tôi đã bố trí phương tiện vào trong xã đảo để đưa khoảng 10 khách nước ngoài đang du lịch trên đảo vào trong đất liền an toàn".
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ tràn xuống nhà dân, lực lượng biên phòng của đồn 54 cùng chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân bình tĩnh, gắng sức phối hợp cùng chúng tôi chống lũ. Cuộc di dân tại chỗ được triển khai nhanh chóng, an toàn.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Tình - đội phó đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cát Bà, phụ trách địa bàn xã Việt Hải cho biết: "Gần 30 năm gắn bó với đất này nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến một trận mưa lũ quét kinh hoàng như thế. Những búi nước từ trên núi ồng ộc xả xuống như thác khiến ai nấy lạnh người. Hơn 90 hộ dân trở nên điêu đứng vì tài sản, nhà cửa bị trôi theo dòng nước lũ. Làng chài vốn nghèo nay lại càng khó khăn thêm...".