Kể từ khi ban hành giáo lý bí truyền vào năm 1970, ngôi chùa Dhammakaya bí ẩn và các tín đồ được cho là đã tham gia vào các hành vi bất hợp pháp đi ngược lại truyền thống tu hành.
Người ta chỉ trích ngôi chùa này không khác gì một công ty thương mại, nơi những người nhẹ dạ cả tin bị lừa dối bởi ý tưởng có thể mua được chỗ tốt ở kiếp sau.
Chủ nhân duy nhất của ngôi chùa, Phra Chaibul Dhammachayo, đã kiếm được hàng triệu baht từ các tín đồ trung thành của mình cả ở Thái Lan và nước ngoài.
Mạng lưới toàn cầu của Dhammakaya đã mở rộng tới 40 chi nhánh trên toàn thế giới với 2 đài truyền hình vệ tinh phát sóng bằng 4 ngôn ngữ khác nhau.
Ngôi chùa độc nhất Thái Lan
Ngôi chùa nằm ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Bangkok, gần sân bay Don Mueang với mái vòm hình đĩa bay ngoài hành tinh nổi bật trên đường Khlong Luang, tỉnh Pathum Thani. Cấu trúc rộng lớn của nó hoàn toàn đối lập với các bảo tháp thường thấy trong Phật giáo Thái Lan.
Trong suốt hơn 45 năm lịch sử, Dhammakaya trở thành tâm điểm bị chỉ trích, đặc biệt là việc làm công đức thông qua quyên góp tiền của. Ngôi chùa cũng bị đồn đoán là được các tỷ phú và chính trị gia quyền lực bảo trợ.
Tháng 8/2014, Bangkok Post đã thực hiện bài điều tra để hiểu về vị thế của Dhammakaya trong Phật giáo Thái Lan ngày nay. Ngôi chùa tai tiếng này đã từ chối bình luận cho câu chuyện với lý do họ đã nhận được quá nhiều tin tức truyền thông tiêu cực trong quá khứ.
Chùa Wat Phra Dhammakaya, cách Bangkok 48 km về phía bắc, nổi tiếng với tháp vàng khổng lồ giống như một vật thể bay ngoài hành tinh. Ảnh: Reuters. |
Jeerasit Tosawat là một tín đồ của Dhammakaya từ 7 năm nay dù ban đầu từng hoài nghi về ngôi chùa tai tiếng này. Khi Jeerasit đang học năm thứ 2 tại Đại học Thammasat, một người bạn của anh trở về sau kỳ nghỉ và trở thành con người khác hẳn. Anh ta nói mình đã được giác ngộ.
“Anh ấy nói với tôi về nghiệp chướng, thiên đàng và địa ngục, tôi nghĩ rằng anh ta đã bị tẩy não”, Jeerasit nhớ lại. Tuy nhiên, vốn là người cởi mở, Jeerasit vẫn quyết định theo bạn tới khu trại của Dhammakaya ở vùng nông thôn phía bắc Thái Lan để làm tình nguyện.
Bước ngoặt xảy đến khi anh tham gia chương trình từ thiện phân phát lương thực cho 10.000 nhà sư của chùa Dhammakaya. “Khoảnh khắc nhà sư áo vàng đi qua trước mặt, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, tôi lập tức nói với bạn mình rằng tôi sẽ được tấn phong cùng với anh ấy vào hè năm sau”.
Sau khi quyết định trở thành nhà sư của Dhammakaya, Jeerasit cảm thấy đã tìm ra định mệnh của đời mình. “Trong suốt thời gian tu hành, tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt bát giới và thức dậy lúc 4h sáng để thiền”, anh nói.
‘Phép lạ’ của Dhammakaya
Jeerasit cho biết anh đã tìm thấy phép màu khi học cách thiền định của Dhammakaya.
“Tôi nhắm mắt lại, tập trung vào quả cầu pha lê bên trong. Ngay sau đó, tôi nhận thấy một luồng ánh sáng phát ra từ bụng mình, ngay cả khi tôi đang nhắm mắt, sàn nhà bên dưới dường như mở ra một lỗ hổng lớn hút tôi vào trong”, anh kể lại.
Jeerasit đánh giá cao giáo lý của nhà chùa, điều mà anh cho là khác biệt so với các tông phái của Phật giáo nguyên thủy truyền thống. Anh cho rằng những tin đồn về việc ngôi chùa đặt tiền bạc lên trên hết là hoàn toàn sai lệch.
Anh khẳng định các tín đồ ở đây không bao giờ bị buộc phải đóng tiền. Họ làm như vậy vì tin rằng việc làm công đức và quyên góp sẽ đem lại kết quả.
Các tín đồ tham gia một buổi lễ tại chùa Wat Phra Dhammakaya. Ảnh: Reuters. |
Một nhà sư giấu tên, người từng là cao tăng ở Dhammakaya, cho biết việc rời chùa cũng giống như thoát khỏi một giáo phái. Ông từng giữ vị trí thứ 2 tại chùa, chỉ đứng sau Phra Dhammachayo. Tuy nhiên, ông bỏ đi vì không thể chịu nổi cung cách quản lý ở đây.
“Ông ấy (Phra Dhammachayo) có một hội viên nữ rất thân cận. Cô này cùng các đồng nghiệp làm việc cho một ngân hàng có tiếng đã giúp ông ấy giả mạo giấy tờ tài chính”, nhà sư này cáo buộc.
“Tình hình tài chính của ngôi chùa theo các tài liệu là rất nghèo nhưng thực ra họ đã thu được hàng tỷ baht từ các tín đồ”, ông nói.
Ông mô tả các tín đồ ở đây mê muội vì Phra Dhammachayo. Họ cho rằng ông ấy là đấng tối cao, “ngay cả Đức Phật cũng phải nể trọng ông ấy”.
“Bởi vậy họ không kính trọng ai khác. Họ không cảm thấy tội lỗi hay nghi ngờ khi làm việc cho ông ấy, chẳng hạn như làm giả giấy tờ.
Họ tin rằng ông ấy có thể làm bất cứ điều gì, kể cả biến sai thành đúng. Vì thế, làm việc cho ông ấy là một nhiệm vụ cao quý”, nhà sư này giải thích.
Kiếm tiền bằng công đức
Đưa tiền cho các nhà sư là một vấn đề gây tranh cãi trong Phật giáo. Một số nơi cấm các nhà sư nhận tiền. Ở những nơi khác, đó là góc tối của tiền bạc quyên tặng cho nhà chùa để làm công đức, khi chúng thực chất chỉ rơi vào tay các nhà sư.
Tại chùa Dhammakaya, người ta chỉ cần niệm câu thần chú “Càng cho đi thì càng nhận lại”.
Tiến sĩ Mano Laohawanit là người từng trực tiếp chứng kiến hoạt động bên trong tổ chức này. Ông đánh giá cao cách thức tổ chức ở Dhammakaya, nơi họ vươn rộng để kết nối với các tín đồ với cơ sở dữ liệu cá nhân chi tiết chưa từng có. Tuy nhiên, ông đã quyết định rời bỏ vị trí cấp cao tại đây sau khi nhận thấy ngôi chùa này quá coi trọng tiền của.
Hơn 100.000 nhà sư tụ tập để nhận bố thí tại chùa Wat Phra Dhammakaya, ngày 22/4/2016. Ảnh: Reuters. |
“Dhammakaya là ngôi chùa độc nhất. Nó được tổ chức rất tốt với hệ thống tập trung vào trụ trì Phra Chaibul Dhammachayo, người mà mỗi lời nói đều được thực hiện như điều răn", Tiến sĩ Mano nói.
Ông cho biết ngôi chùa này hoạt động giống như quân đội nơi mệnh lệnh được truyền từ trên xuống qua các thành viên. Họ cũng có những giai thoại tinh vi, huyền hoặc để khiến các thành viên mới thêm sùng bái ngôi chùa.
Ông cũng tiết lộ hình thức thiền định khiến nhiều người như Jeerasit ấn tượng không phải là phép màu mà chỉ là một kỹ thuật kết hợp điều hòa hơi thở với việc hình dung ra quả cầu pha lê hoặc hình ảnh Đức Phật ở gần rốn và sử dụng câu chú Samma-arahang.
“Tin đồn về sức mạnh siêu nhiên, phép lạ và thiền định đã khiến mọi người háo hức được quyên góp cho chùa”, ông nói. “Đây không phải là cách thức truyền bá đạo Phật. Đó là một doanh nghiệp lớn nơi không ai có thể theo dõi dòng tiền chảy về đâu”.
Theo tiến sĩ Mano, một trong những lý do khiến Dhammakaya có thể phát triển mạnh là nhờ điểm yếu của Phật giáo truyền thống ở Thái Lan, nơi tiêu chuẩn và các giáo lý tu hành không còn được như trước.
“Các nhà sư thiếu kiến thức về pháp và thường không thể kết nối với mọi người để truyền đạo theo cách phù hợp với xã hội hiện đại”, ông nhận xét. Ông cũng cho rằng việc điều hành các ngôi chùa ở Thái Lan còn yếu kém và chưa thể tạo sức hút với người dân như Dhammakaya.
“Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng các nhà sư không nên động tới tiền. Ví dụ như ở Myanmar, các tu sĩ đã tạo ra một hệ thống hợp tác xã để quản lý tiền bạc.
Hội đồng này được lựa chọn dựa trên kiến thức và trình độ chuyên môn của các nhà sư chứ không phải theo cấp bậc và họ không nắm quyền quá lâu. Việc quản lý chùa minh bạch hơn vì họ cũng lựa chọn tín đồ vào hội đồng quản trị và các kế toán không phải do trụ trì bổ nhiệm", Tiến sĩ Mano nhận định.