Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi chùa 500 tuổi phải 'chống nạng'

Chùa Phúc Lâm (xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) có từ thời nhà Mạc với niên đại hơn 500 năm tuổi đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Người dân phải dùng cột gỗ tạm bợ để chống đỡ.

Chùa Phúc Lâm (chùa Nả) thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì có kiến trúc cổ thời Mạc (thế kỷ 16), có nguy cơ biến thành phế tích. Để đảm bảo an toàn cho du khách thăm viếng, các nhà sư đã dán biển thông báo “Cấm vào bên trong” bởi nó có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Phía trên được dựng mái tôn che mưa nắng.

Chùa nằm ngay mặt đường quốc lộ 32. Nơi đây thờ hai vị Nguyên Đạo Thông và Nguyên Đạo Hạnh. Ngôi thượng điện phía ngoài và các hạng mục xung quanh hầu như đã được xây mới.

Hiện toàn bộ cột, kèo gỗ đã bị mục ruỗng, các đầu mối đã bị rời ra, thay vào đó là những cột gỗ chống đỡ tạm bợ, các mép tường đã nứt toác. Ngôi chùa cổ này đã hơn 5 thế kỷ và được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 2004 nhưng xuống cấp nghiêm trọng đã gần chục năm nay. 

 Ban thờ các tượng đã được di chuyển đi nơi khác hết vì chùa có thể đổ sập bất kì lúc nào
Ông Phùng Văn Chiến cho biết, ban thờ các tượng đã được di chuyển đi nơi khác hết.

“Hiện chúng tôi phải đưa ban thờ tượng đi gửi nhờ người dân xung quanh để tránh sập tượng”, ông Chiến nói.

Các cột kèo, thanh ngang bị mối mọt ăn hư hỏng nặng.
Một số kiến trúc điển hình thời nhà Mạc không còn do hư hỏng và thời gian. Theo kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, giá trị của hai bộ vì vẫn còn giữ được thanh câu đầu (thanh xà nối hai đầu cột cái), và một số thanh rường cụt bụng cá là dấu tích từ thời nhà Mạc. Tuy hình thức ván lá đề nằm ở bộ vì nóc của kiến trúc thời Mạc không còn nữa nhưng những cấu kiện thay vào đấy cũng xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17,18).
Một số kiến trúc thời nhà Mạc hư hỏng và không còn theo thời gian. Theo kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, điển hình giá trị kiến trúc thời Mạc là bộ khung một gian hai chái theo cả hai chiều. Kết cấu công trình gồm bốn cột cái lớn, xung quanh là mười hai cột quân tạo thành hai bộ vì giá chiêng. 

Đại diện chính quyền xã cho biết cũng lực bất tòng tâm khi chỉ có thể tham gia làm mái che tạm thời chống đỡ mưa nắng cho di tích. Còn lại, phải chờ các bước trùng tu theo đúng quy trình của luật di sản.

Phần mái hướng Tây đã bị xô, sạt thủng, các vị trí còn lại cũng thủng ở nhiều vị trí.
Mái ngói rơi xuống phía dưới nhưng không ai dám vào dọn vì sợ đổ sập.
Cửa sau cũng chung tình trạng.
Bức tường phía ngoài chùa Phúc Lâm đang ngày càng nứt to hơn do các kèo ngang bên trong bị gãy.

Ông Lê Văn Minh, chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, chùa Phúc Lâm hiện được giao cho nhân dân quản lý. Sau khi nhận được thông báo xuống cấp từ người dân. Chính quyền huyện đã có văn bản lên thành phố, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xuống kiểm tra, lập danh sách các hạng mục cần trùng tu. "Một di tích lịch sử hàng trăm năm mang tầm cỡ quốc gia, chúng tôi không thể để sập được", ông Minh nói.

Trao đổi với Zing.vn, nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng cho biết, những di tích cấp quốc gia phải được báo cáo lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau đó cục di sản sẽ vào cuộc để lập hồ sơ tu sửa, đúng với hiện trạng. Người dân không được phép can thiệp.

Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm