Chia sẻ với chúng tôi về tình hình xuất khẩu thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết không chỉ công ty của ông mà nhiều doanh nghiệp (DN) khác đang rảnh rỗi, không có việc gì làm vì thị trường không có người mua.
“Nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu gạo đang tạm ngừng hoạt động để chờ thời, chờ vào sự biến chuyển của thị trường” - ông Đôn nói.
Nhường sân cho đối thủ
Theo ông Đôn, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm nay giảm mạnh so với mọi năm. Những thị trường tập trung như Philippines, Malaysia, Indonesia… không có nhu cầu nhập khẩu nhiều gạo. Thị trường Trung Quốc cũng trầm lắng, nhu cầu giảm, không hỏi mua. Mặt khác, Trung Quốc siết lại việc nhập khẩu trong khi gạo Việt lại đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường này, có thời điểm chiếm đến 50%.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, nêu thực tế giá gạo trắng 5%-15% tấm của Việt Nam hiện nay có thể nói là thấp nhất thế giới, thấp hơn các đối thủ xuất khẩu khoảng 5-10 USD/tấn nhưng vẫn không có người mua.
“Ngoài nguyên nhân do nhu cầu giảm thì chúng ta gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ bán gạo khác. Thế nên ở thị trường châu Phi, gạo Việt đành nhường sân cho gạo Thái và Pakistan; ở châu Âu thì nhường sân cho Campuchia, Thái và Myanmar. Có thể nói các công ty xuất khẩu gạo đang bị bủa vây với nhiều khó khăn” - ông Long nói.
Nói thêm về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ thừa nhận giá gạo Việt hiện mềm nhất trong rổ gạo thế giới. Đáng buồn là từ đầu năm tới nay, Việt Nam chỉ giao hàng cho các hợp đồng cũ chứ chưa có hợp đồng tập trung mới.
Đóng gói gạo chất lượng cao để xuất khẩu tại một doanh nghiệp. |
Bài học đắt giá
Một nghịch lý của xuất khẩu gạo Việt hiện nay được một số DN chỉ ra là khách hàng muốn mua gạo thơm nhưng Việt Nam hầu như không đủ nguồn cung, đành nhường miếng ngon lại cho các nước. Đây là hệ quả của việc lâu nay Việt Nam chỉ chú trọng vào số lượng, tập trung gạo trắng cấp thấp, trung bình và cạnh tranh bằng giá rẻ.
“Đây là bài học cho DN Việt Nam khi lên kế hoạch nguồn cung cho xuất khẩu, tức là cần tính toán cân đối sản lượng gạo xuất khẩu, tập trung vào chất lượng thay vì chỉ chạy theo số lượng. Ngoài ra, DN phải biết cách chăm sóc thị trường, chiều chuộng khách hàng như cách Thái Lan đã làm” - ông Nguyễn Văn Đôn nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, nhiều DN cho rằng gạo Việt có nhiều thị trường đặt hàng nhưng do “con sâu làm rầu nồi canh” khiến khách hàng mất lòng tin và mất luôn thị trường.
Tại cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm nay do VFA tổ chức mới đây, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An, thẳng thắn: “Nhiều năm qua, Việt Nam không nâng giá các loại gạo thơm lên được do thường xuyên trộn gạo giống thơm nhẹ vào gạo thơm Jasmine nên rất khó bán. Chưa hết, các loại gạo Nàng Hoa, ST cũng được dùng để trộn vào gạo thơm chất lượng cao nên giá bán của gạo Việt luôn rất thấp. Đó cũng là lý do giải thích vì sao những thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ vẫn mua rất ít gạo của chúng ta”.
Mở rộng thị trường Mỹ, EU
Qua cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2010-2015 cho thấy lượng gạo trắng chất lượng cao đang có xu hướng giảm, từ tỉ lệ gần 36% vào năm 2010 và xuống còn gần 28% trong năm 2015. Thị trường EU, Mỹ vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu gạo nên vẫn còn nhiều cơ hội để gạo Việt Nam tăng số lượng xuất khẩu gạo sang những thị trường này.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu qua Mỹ mỗi năm ít nhất 100.000 tấn gạo thơm. Hiện một số DN đã xuất khẩu gạo qua Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều.
Theo VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 2,65 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu cả năm chỉ đạt gần 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm ngoái, tương đương giảm 800.000 tấn so với dự báo đưa ra từ đầu năm. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.