“Canada có nhiều công nghệ then chốt và có thể đưa ra các giải pháp cho Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng rất mong muốn có thể đảm bảo mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050”, Ngoại trưởng Joly nói trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 14/4 tại Hà Nội.
Từ đó, bà Joly chia sẻ một số điều mà Canada có thể hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải, trong đó bao gồm việc cung cấp nguyên liệu thô quan trọng cho các công nghệ sạch, như đất hiếm.
Đất hiếm là các nguyên tố kim loại được dùng trong công nghệ năng lượng tái tạo để sản xuất nam châm cho tuabin điện gió, pin mặt trời, pin xe điện… Khi thế giới ngày càng chú trọng năng lượng sạch, nhu cầu đất hiếm trong năm 2040 có thể tăng 3-7 lần, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Ngoại trưởng Joly (phải) trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 14/4. Ảnh: Trọng Kiên. |
Ba cách Canada có thể giúp Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng
Trong hai ngày 13-14/4, bà Joly có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị ngoại trưởng Canada. Bà Joly tiết lộ từ trước khi lên đường, bà đã mường tượng ra hình ảnh đất nước Việt Nam vì có nhiều bạn bè gốc Việt.
“Tôi rất ấn tượng trước sự thân thiện của người Việt Nam, và tôi đã có buổi trao đổi tốt đẹp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên”, bà nói. “Tôi hy vọng là sẽ có thể nhìn ngắm thành phố (Hà Nội) thêm một chút vào tối nay vì mình chưa có nhiều cơ hội thăm thú”.
Trong buổi gặp gỡ sáng 14/4, Ngoại trưởng Joly khẳng định quan hệ kinh tế hai nước đã rất phát triển trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 19% so với năm 2020, bất chấp Covid-19, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nhưng bà Joly cho rằng hợp tác song phương vẫn còn dư địa phát triển, nhất là trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ngoại trưởng Joly hôm 13/4 có buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Việt Linh. |
“Khi nghĩ về tương lai, chúng tôi chắc chắn sẽ nghĩ tới tác động của biến đổi khí hậu lên Việt Nam, cũng như cách để giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn chuyển giao ấy”, bà Joly nhấn mạnh. “Vì thế, chúng tôi đã nói Canada có thể làm ba điều (cho Việt Nam)”.
Điều đầu tiên chính là hỗ trợ về nguyên liệu thô như đất hiếm. Ngoài ra, hai dạng hỗ trợ khác là cung cấp năng lượng cho giai đoạn chuyển giao của Việt Nam, có thể là khí gas hóa lỏng (LNG) hoặc hydrogen, và cung cấp tài chính cho các dự án năng lượng sạch, theo bà Joly.
“Chúng tôi đang có một số dự án như dự án điện gió tại Đài Loan với trị giá 1 tỷ USD”, bà Joly cho biết. “Đây là điều mà chúng tôi có thể hợp tác với Việt Nam”.
“Điều này sẽ rất tốt cho người Việt Nam và cả người Canada vì rõ ràng là biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng toàn cầu”, bà nói.
Việt Nam nằm trong số đối tác chiến lược hàng đầu
Từ tháng 11/2021, truyền thông Canada đã đưa tin chính phủ nước này đang soạn thảo chiến lược mới dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa thương mại với các nước Đông Nam Á.
Việc Ottawa gọi đây là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thay vì tiếp tục chỉ tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương đã phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Canada với châu Á và các quốc gia ven Ấn Độ Dương, theo Globe and Mail.
Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP trước lễ ký kết năm 2018. Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP. Ảnh: AP. |
Tới tháng 1, tờ Globe and Mail dẫn nguồn thạo tin cho biết chiến lược mới của Canada có giá trị khoảng 2,8 tỷ USD trong vòng 5 năm, nhằm giúp tạo dấu ấn ngoại giao lớn hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Joly cũng chính là nhân vật phụ trách xây dựng nội dung chiến lược mới cho đất nước.
“Chúng tôi cần phải khẳng định bản thân hơn tại Thái Bình Dương”, bà Joly nhấn mạnh. “Để làm điều ấy, chúng tôi muốn chắc chắn mình chọn đúng nước làm đối tác chiến lược. Việt Nam chắc chắn nằm trong danh sách hàng đầu ấy”.
“Trong chuyến đi đầu tiên tới châu Á, tôi muốn chắc chắn là mình sẽ tới Việt Nam”, Ngoại trưởng Joly nhấn mạnh.
Bà Joly cho biết trong 50 năm, Canada đã tham gia rất nhiều vào quá trình phát triển của Việt Nam trên cả phương diện xã hội và kinh tế. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng hai bên sẽ tiếp tục xây dựng niềm tin và mối quan hệ tin cậy này, đặc biệt là khi thế giới có các sự kiện gây bất ổn”.