Nhật bắt đầu nổi mạnh lên như thế lực trên biển kể từ năm 2017 khi Thủ tướng Shinzo Abe không giấu mong muốn cải cách hiến pháp hòa bình của nước này. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tích cực hoạt động hơn và trong tháng 5 này, hải quân Nhật đã tham gia tập trận trên biển với các tàu chiến từ Mỹ, Ấn Độ và Philippines.
Tàu Izumo, tàu sân bay trực thăng lớn nhất trong biên chế lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã 4 lần thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài kể từ năm 2017, trong đó có chuyến đi kéo dài 3 tháng trong năm đó.
Không giống như Mỹ, Nhật đang tích cực hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực hải quân. Tokyo không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc có tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông với Bắc Kinh khiến họ quan tâm nhiều tới ảnh hưởng của Trung Quốc. Người dân Nhật cũng có xu hướng ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn với Bắc Kinh, theo các nhà phân tích.
Tàu chiến Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản và Mỹ trong cuộc tập trận chung từ ngày 2-8/5 vừa qua trên Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
"Dưới thời ông Abe, Tokyo đã tăng cường các cam kết quốc phòng và an ninh ở Đông Nam Á, đặc biệt là mối quan tâm với Biển Đông. Tôi tin rằng Bắc Kinh quan ngại việc Nhật Bản bước vào Biển Đông", ông Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định.
Đồng minh của Mỹ
Có ít nhất 6 quốc gia khác không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã cho tàu chiến của mình đi qua khu vực này trong vòng 3 năm qua. Đó là Australia, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ. Ngoại trừ Mỹ, tàu chiến của 5 nước còn lại xuất hiện tương đối rời rạc để tránh gây phản ứng quá mạnh từ Bắc Kinh.
Mỹ vận hành lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, và hải quân Mỹ đã 11 lần tuần tra FONOP ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo các học giả khu vực, Trung Quốc lo lắng nhất về Mỹ, và sau đó là Nhật Bản. Lý do một phần vì Tokyo là đồng minh mật thiết lâu năm của Washington.
"Nhật Bản tập trung vào vùng Đông Bắc Á hơn, nhưng họ cũng mạo hiểm đi xuống phía nam vào Biển Đông. Bạn không thể bắt nạt Nhật mà không nghĩ về những việc Mỹ có thể làm", ông Carl Thayer, chuyên gia về khu vực, giáo sư tại Đại học New South Wales, cho biết.
Trong khi đó ở trong nước, Tokyo đã có những căng thẳng với Bắc Kinh kể từ năm 1996 với tranh chấp chủ quyền ở một số khu vực tại biển Hoa Đông. Hầu hết dân Nhật Bản cũng băn khoăn về sự trỗi dậy của Trung Quốc, khiến chính phủ của họ có lý do mạnh mẽ hơn để thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh thông qua việc liên minh với các nước khác.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mong muốn sẽ cải cách bản hiến pháp hòa bình của nước này vào năm 2020, vốn vẫn nguyên trạng trong 70 năm qua. Ảnh: Kyodo. |
"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên, vì vậy trong tình cảnh này, chính phủ Nhật Bản đang nắm bắt cơ hội để xây dựng các liên minh và đối tác", ông Jeffrey Kingston, giảng viên sử học tại cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple, cho biết.
Sự kiên trì và hỗ trợ kinh tế
Theo các nhà phân tích, tần suất và thời gian hoạt động của tàu Izumo trong các chuyến thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông là vượt trội so với các bên khác, ngoại trừ Mỹ. Sau cuộc tập trận từ ngày 2-8/5 vừa qua, tàu Izumo sẽ tiếp tục tham gia cùng các tàu của Australia, Pháp và Mỹ trong cuộc tập trận khác ở phía tây đảo Sumatra.
Lép vế về mặt quân sự ở Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á thường phản đối gay gắt việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các thực thể trên biển để xây dựng sân bay, hệ thống radar và tổ chức hỗ trợ thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt ở khu vực.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng và có tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu khí. Nhật Bản cũng có lợi ích liên quan khi nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô từ các nước, và cũng phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải này để xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu.
Không giống như các nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ quân sự trực tiếp cho các quốc gia có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản năm ngoái đã đồng ý tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines.
Ở khía cạnh dân sự, chính phủ Nhật Bản cũng tích cực cung cấp các khoản vay cho các nước Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngoại trừ Malaysia và Thái Lan, số tiền Nhật Bản hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Nam Á vẫn nhiều hơn so với Trung Quốc. Đồ họa: Bloomberg. Nguồn: BMI Research/2017. |
Các động thái của Tokyo khó có khả năng khiến Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động hiện tại ở Biển Đông, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó có thể sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm các đảo nhỏ đang được các quốc gia khác quản lý.
"Trung Quốc sẽ đảo ngược lập luận và nói rằng 'tất cả các nước đang quân sự hóa Biển Đông, chứ không phải Trung Quốc', và tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục chơi trò đó và không làm gì thêm", ông Alan Chong, giáo sư trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, nhận định.