Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngõ nhỏ, lối nhỏ ở Hà Nội

Có thể coi ngõ như cái bảo tàng lưu lại dấu vết một Hà Nội từ làng xã phát triển lên, lưu luyến những gì cổ kính.

Thời chiến tranh, Bằng Việt viết về một nốt lặng của Hà Nội: Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự. Mấy chục năm rồi, câu thơ còn khá đúng. Bởi vì, thủ đô hôm nay, những phố lớn sửa sang tân kỳ, làm nội thất sáng choang, mở tung cửa ra phố đón “thượng đế” vào, thì những con ngõ ngoắt ngoéo vẫn giữ được vẻ im lìm, nét kín đáo riêng tư.

Nơi đây chiếc xe máy đã là cồng kềnh. Nên chi, thả bộ thong dong trong tâm thế nhàn tản, để thưởng ngoạn chút cổ kính còn lại, có lẽ là cách khôn ngoan hơn.

Hà Nội còn khá nhiều con ngõ gợi cảm như thế, dù nhiều chỗ mang biển “phố”. Mỗi chỗ lại có sắc thái riêng. Ngõ cụt Đoàn Nhữ Hài toàn nhà thấp, dáng chừng của công chức xưa. Cuối ngõ có nếp nhà của nhà văn Tô Hoài, ông mua bằng tiền làm phim “Vợ chồng A Phủ” những năm sáu mươi, rồi “đẻ” ở đấy những tác phẩm đầy ấn tượng.

Ngo nho Ha Noi anh 1

Ngõ nhỏ Tràng An có dáng dấp tiểu tư sản điển hình, đầu vào Triệu Việt Vương có hàng vàng bạc, đầu kia trổ ra Phố Huế buôn xe máy ồn ĩ. Thế mà vào trong lại tĩnh lặng, cửa sổ lấp ló sau bóng cây.

Lối ngõ nhỏ nên hàng xóm không thể không chào nhau, tức là lại thấp thoáng nếp làng. Xóm Hạ Hồi bốn đầu thông ra ba phố và hai ngõ cụt, nhà kiểu nông thôn Pháp, thường một tầng hầm, một tầng nhà, xung quanh có vườn. Xưa kia về kiến trúc và không khí, Hạ Hồi êm đềm, thượng lưu nhất Hà Nội, nay cơi nới nhiều quá, cái vẻ quý phái ấy đã “đỡ” đi nhiều.

Ngõ Phất Lộc vào loại ngoằn ngoèo nhất khu “Ba sáu phố phường”. Đường rộng hai ba mét không có hè, hai bên hút lên những bức tường đã long lở. Bởi lâu không được đập vữa trát lại, chúng cứ phô từng mảng đen đen xam xám - một gam mầu gợi cảm với mơ xi ơ “Phái phố”.

Nhà cửa cũ kỹ đến nỗi khi sửa chữa, những thanh xà lim cỡ thân người, đầu gác vào tường đã bị vôi ăn vẹt, hốc hác như “đầu gối củ lạc”. Gần đấy, ở Mã Mây có ngôi nhà trên trăm tuổi vừa được phục chế mái ngói, câu đầu chạm trổ, giếng trời thông gió và hố xí thùng.

Một chỗ không nổi tiếng bằng Phất Lộc nhưng cũng rất độc đáo là Tạm Thương, đầu trổ ra Hàng Bông, đầu ăn vào Yên Thái, cái ngõ có hai đầu là Hàng Da và Hàng Mành. Có câu thơ chất vấn khá đanh đá đã thương sao còn tạm thương...

Nhìn từ Hàng Bông vào không thấy bóng cây, nhưng chỉ vài bước, khỏi dãy bún ốc, đậu phụ rán mắm tôm, người ta không còn thấy bức bối nữa. Tường nhà không cao lắm, nhưng lối giữa bé nên ít khi có nắng xuống.

Những ô cửa trổ ra “phố” chẳng thành kiểu cách nào. Nhà ống, điển hình cho kiến trúc cách nay hơn nửa thế kỉ chen chúc vài ba thế hệ. Do xô lệch thời thế, dân nghèo thành thị tấp vào ngõ hết. Nhưng Tạm Thương không ít bất ngờ.

Mảnh sân tí hon ướt át có gốc sung chĩu chịt đủ làm mòn mắt đám trẻ từ ô cửa sổ. Mảng tường long lở chênh vênh cuồn cuộn rễ si, chỉ ăn vôi cát mà sum suê quá chừng.

Đình Yên Thái thờ Ỷ Lan Phu nhân, ngày Rằm, ngày Một khói hương quanh quẩn mái ngói ta. Không thể dùng chữ “khang trang” cho con ngõ, bởi mặt cống, cửa sau để lấy thùng phân rất gần với những bún bánh đậu mắm.

Nhưng Tạm Thương hơn hẳn phố lớn ở đoạn ngoằn ngoèo khúc khuỷu và vắng tiếng xe máy gầm rú. Ngồi trong cái quán gần Hàng Mành với bát tiết canh hồng hào, đĩa lòng xe điếu nõn nà điểm húng xanh xong, ta đứng dậy sà vào hàng chè đặc cắm tăm vệ đường mà châm điếu thuốc xem, “phê” không tưởng nổi.

Những quán chè Hà Nội, như những bistro bên Pháp, đang bị lối “ăn nhanh” xô đẩy, tồi tội thế nào...

Ngõ Hà Nội hay phổ biến những kiến trúc tương đồng: Nhà ống cổ, lối nhỏ, đình đền, chí ít là bàn thờ, cạnh đó là cộng đồng dân cư ít thay đổi hơn bên ngoài. Tuy đã bị pha phách, “hiện đại hóa” ít nhiều, ngõ vẫn giữ lại không gian cổ kính hơn phố lớn, gợi nhớ những ngôi làng.

Mỗi con ngõ có linh hồn, tâm trạng riêng, không ào ạt một bản đại hợp xướng “tiền ơi đẻ lãi ra đi” như ngoài phố. Ở đây trẻ có chỗ chạy chơi, cụ già nhâm nhi thời xa vắng, mấy nàng dâu tha hồ đấu chuyện con mẹ chồng. Bình thản một nhịp, kéo đến nảo nào hay xong ngay đều được.

Có thể coi ngõ như cái bảo tàng lưu lại dấu vết một Hà Nội từ làng xã phát triển lên, lưu luyến những gì cổ kính. Lại cũng có thể coi nó như một người có tuổi, hơi gàn gàn không chịu nhập cuộc, ăn mặc lôi thôi một cách duyên dáng. Cho nên không lạ gì nếu ta đi dạo nơi đây mà thơ Bằng Việt lại hiện về:

Ôi rất lâu rất lâu

Tôi mới đi một ngày thong thả...

Trần Chiến / Nhà xuất bản Trẻ

SÁCH HAY