Chiều 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Nguyễn Chí Dũng nêu định hướng phát triển của vùng. Theo đó, ông Dũng cho rằng cần tập trung hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả các trung trung tâm kinh tế nội vùng, trong nước, quốc tế để mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai Hội đồng điều phối vùng ĐBSH. |
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tổ chức, sắp xếp hiệu quả vận tải đa phương thức; phát huy lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các hành lang kết nối của vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vùng ĐBSH có diện tích nhỏ, nhưng dân số lớn. Do đó, phải tiến hành đô thị hóa, khai thác không gian ngầm như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…
Riêng về hàng không, Thủ tướng cho rằng khu vực phía bắc ĐBSH đã có 3 sân bay (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), nhưng có thể nghiên cứu để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía nam.
Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các bộ, cơ quan liên quan cần tiếp tục tích cực triển khai các công việc để trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và phối hợp khai thác tốt di sản này.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng biểu dương Hà Nội vì thời gian qua đã khai thác hiệu quả nhiều di sản văn hóa, như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hỏa Lò, qua đó biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực.