Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Tiến Dũng là cuốn sách chuyên khảo được đề cử trao giải tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, năm 2021.
Những chia sẻ của tác giả sẽ cho chúng ta biết quá trình thực hiện, cũng như nội dung cốt lõi của cuốn sách này.
Một hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu lịch sử
- Cuốn “Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX” được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Như tôi chia sẻ trong phần Mở đầu của cuốn sách, công trình này vốn là luận án tiến sĩ ngành Lịch sử được tôi thực hiện tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Ý tưởng cuốn sách được hình thành vào mùa thu năm 2012, khi tôi và thầy hướng dẫn lựa chọn hướng tiếp cận mới cho luận án tiến sĩ của mình.
Đến tháng 7/2017, nội dung cơ bản của cuốn sách được hoàn thành khi tôi bảo vệ xong luận án. Tuy nhiên, tôi chưa xuất bản ngay vì muốn bổ sung, gia cố thêm, để có một ấn bản hoàn chỉnh hơn.
Trong quá trình nghiên cứu một năm tại ĐH Zielona Góra, Ba Lan (10/2017-10/2018), tôi có khoảng thời gian quý giá để nhìn lại công trình của mình, gia cố nội dung cốt lõi, bổ sung tài liệu tham khảo, cước chú… Đến đầu năm 2020, tôi quyết định xuất bản cuốn sách.
Sách Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Ảnh: Việt Linh. |
- Điều khiến ông cảm thấy thử thách nhất khi thực hiện cuốn sách này là gì?
- Thông thường, khi đề cập một vấn đề lịch sử, giới sử học chúng tôi thường trình bày nguyên nhân, bối cảnh, diễn biến rồi rút ra ý nghĩa/bài học kinh nghiệm.
Trong công trình của mình, tôi đã cố gắng triển khai cách tiếp cận khác, đó là dùng lý thuyết về chủ quyền và lợi ích quốc gia để tiếp cận và phân tích ý thức/tư tưởng của các nhà cải cách ở Đông Á cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là cái mới nhưng cũng là khó khăn của tôi.
Ở thời điểm tôi bắt đầu làm đề tài này năm 2012, lý thuyết về “chủ quyền” và “lợi ích quốc gia” chưa được đề cập nhiều trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Cũng may là trong thời gian này, tôi có một chuyến thực tập ngắn hạn ở ĐH Quốc gia Singapore và được GS William Callahan - chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế - hướng dẫn tìm hiểu/tiếp cận những lý thuyết này.
Bạn thấy đó, sách của tôi có khoảng 30 trang lý thuyết về chủ quyền và lợi ích quốc gia, nhưng để thực hiện nó, tôi phải mất rất nhiều thời gian sưu tập tư liệu, đọc và hiểu.
- Trong chương 2 của cuốn sách, ông đã tập trung trình bày lý thuyết về chủ quyền và lợi ích quốc gia. Xin ông cho biết 2 phạm trù này gắn bó với nhau như thế nào?
- Tôi rất chia sẻ với quan điểm của PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ trong Lời tựa 1 của cuốn sách. Ông cho rằng chủ quyền và lợi ích quốc gia là hai khái niệm khó tách rời và ông đã dùng từ rất hay là “quyền lợi quốc gia”.
Nhắc đến “quyền lợi quốc gia”, trước hết phải đề cập 4 phạm trù: Nhà nước, lãnh thổ, dân tộc và nhân dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò điều hành, quản lý cộng đồng dân tộc - xã hội và cá thể con người, tương ứng với đó là 3 nhánh quyền lực gồm quốc quyền, dân quyền và nhân quyền.
Trong sự gắn bó mật thiết giữa chủ quyền và lợi ích quốc gia, nếu không có một Nhà nước độc lập, chắc chắn sẽ không có chủ quyền thực sự (quyền lực tuyệt đối mà một Nhà nước nắm giữ là lãnh thổ và nhân dân) và không duy trì được chức năng quan trọng nhất của nó là bảo vệ lợi ích quốc gia (lợi ích thiết yếu cốt lõi của một đất nước, bao gồm lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa).
Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của bốn bộ óc tinh hoa
- Trong cuốn sách, ông nêu sự hình thành ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia ở các nước khu vực Đông Á trong thế kỷ XIX. Đâu là cơ sở cho sự hình thành đó?
- Theo tôi, có hai phương diện tác động, chi phối ý thức chủ quyền và lợi ích quốc gia của các nhà cải cách thời kỳ này. Đó là nhân tố bên ngoài và nhân tố nội tại bên trong.
Nhân tố bên ngoài chính là áp lực bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây đè nặng lên số phận của các quốc gia Đông Á. Thứ hai là quá trình du nhập, khả năng tiếp nhận văn minh phương Tây của các quốc gia Đông Á nói chung và các nhà cải cách thời kỳ này nói riêng.
Nhân tố bên trong chính là nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ở mỗi nước. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa và đặc tính xã hội. Hai yếu tố này định hướng nên tư duy, vạch định mô hình phát triển của mỗi nhà cải cách ở từng nước.
TS Nguyễn Tiến Dũng - giảng viên ĐH Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Minh Châu. |
- Ông đã chọn bốn nhân vật là Lý Hồng Chương (Trung Quốc), vua Mongkut (Thái Lan), Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam) và Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) để phân tích về ý thức chủ quyền và lợi ích quốc gia ở khu vực Đông Á. Sự tương đồng và khác biệt giữa bốn nhân vật này là gì?
- Đứng trước áp lực bành trướng của thực dân phương Tây, tất cả nhà cải cách thời kỳ này đều cho rằng chủ quyền và lợi ích quốc gia là quan trọng tối thượng.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa họ chính là khả năng tiếp nhận văn minh phương Tây cũng như nền tảng chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và đặc tính xã hội riêng của từng nước.
Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một samurai cấp trung ở Nhật Bản. Ông mang trong mình những đặc tính của tầng lớp này, đó là tinh thần xả thân, tính quyết liệt và tư duy lý tính. Nhờ đó, ông tiếp cận văn minh phương Tây một cách triệt để. Ý thức của ông về chủ quyền và lợi ích quốc gia cũng rất mạch lạc, rõ ràng và gần gũi với thế giới quan phương Tây.
Lý Hồng Chương (1832-1901) lại có sự giằng xé giữa sự trung thành với triều đình và một quý tộc mang gốc Hán, hay lợi ích của giai cấp và lợi ích của triều đình. Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của Lý Hồng Chương thiếu tính triệt để.
Mongkut (1804-1868) vốn là hoàng tử, một trí thức Phật giáo. Ông đi tu 27 năm trước khi lên làm vua. Mongkut rất năng động, chủ động tiếp cận văn minh phương Tây, học tiếng Anh, Latin, thực hiện các biện pháp cải cách đất nước. Mongkut cũng rất mềm dẻo, linh hoạt trong ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Trường hợp của Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) cũng có những giằng xé của một trí thức uyên thâm Nho học nhưng xuất thân từ Công giáo. Những biện pháp của ông đề xuất lên triều đình rất phù hợp nhưng bị nghi kỵ. Mặt khác, ý thức của ông về chủ quyền và lợi ích quốc gia không vượt quá được hệ tư tưởng phong kiến.
- Trước làn sóng xâm lược của nước phương Tây, các nhà cải cách phương Đông đã thay đổi từ quan niệm truyền thống “phụng sự cho đất nước là phụng sự cho triều đình”, sang tư tưởng “đất nước là của nhân dân”. Sự vận động và chuyển biến trong tư tưởng đó diễn ra như thế nào và nó có tác động gì đối với thế hệ tiếp ngay sau đó?
- Ý thức về chủ quyền hay lợi ích quốc gia của các nhà cải cách ra đời khi nó chịu sự tác động, o ép của thực dân phương Tây. Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện mỗi nước, nó vận động và chuyển biến khác nhau.
Mongkut là vua nên ông ta đại diện cho chính thể quân chủ. Nguyễn Trường Tộ và Lý Hồng Chương, dù có tư tưởng cải cách, vẫn đặt cược vào triều đình và không vượt qua được tư tưởng trung quân ái quốc. Còn Fukuzawa Yukichi vẫn chủ trương duy trì Thiên hoàng trong quản trị đất nước.
So với bốn nhà cải cách Đông Á trên, những nhà cải cách tiếp theo có sự chuyển động và biến đổi. Có nghĩa là sức ép của phương Tây càng lớn, việc tiếp cận văn minh phương Tây càng sâu rộng, ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia về sau càng triệt để, càng gần gũi hơn với quan điểm thế giới quan của phương Tây.
- Cuốn sách này có giá trị tham khảo gì trong quan hệ đối ngoại cũng như trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay?
- Chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ 4.0, xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Xu hướng này cho chúng ta rất nhiều cơ hội, rút ngắn khoảng cách, con đường đi, nhanh chóng tiếp thu văn minh để có thể hiện đại hóa đất nước. Nhưng nó cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức.
Tiếp cận ở góc độ quan hệ quốc tế, khi hội nhập quốc tế, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quốc tế của mình, đồng nghĩa với việc không thể hành động hoàn toàn và tuyệt đối theo ý kiến chủ quan.
Cho nên, trong bối cảnh như vậy, việc xác định chủ quyền và lợi ích quốc gia là rất quan trọng và chúng ta phải xác định được đâu là giá trị cốt lõi, giá trị thiết yếu, vĩnh hằng, thiêng liêng của dân tộc, quốc gia mình. Với việc xác định đó, trong từng điều kiện cụ thể, chúng ta phải có những biện pháp, ứng phó linh hoạt trong đối ngoại.
Thứ hai, tiếp cận từ góc độ nhân dân, chúng ta cần phải nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm của mỗi công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này góp phần nâng cao tiềm lực của dân tộc. Đây là bệ đỡ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia.