Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London, Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) và một số tổ chức khác cho biết có rất ít hoặc không có sự khác biệt trong khả năng lây nhiễm cho người thân giữa một bệnh nhân đã tiêm hay chưa tiêm vaccine, Guardian đưa tin hôm 28/10.
Ngoài ra, ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khá cao. Nghiên cứu cho thấy người đã tiêm khi tiếp xúc với người nhà nhiễm bệnh có 25% nguy cơ dương tính. Đối với người tiếp xúc chưa tiêm, con số này là 38%.
Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả thu được không phản ánh mức độ nhiễm bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Johnson & Johnson tại Mỹ vào tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Để thực hiện nghiên cứu nói trên, nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu từ 204 thành viên gia đình tiếp xúc với 138 bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta. Trong số đó, 53 người tiếp tục nhiễm Covid-19 (31 người đã tiêm vaccine, 15 người chưa tiêm).
“Điều này giải thích về lý do các ca 'nhiễm trùng đột phá' (được tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh) lây cho những người tiếp xúc như các trường hợp chưa tiêm”, ông Ajit Lalvani, thành viên Đại học Hoàng gia London và là đồng tác giả, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, khả năng lây nhiễm tối đa của virus ở những người nhiễm bệnh là như nhau, bất kể đã được tiêm hay chưa. Tuy nhiên, mức độ này giảm nhanh hơn ở những người đã tiêm.
Ông Lalvani nhấn mạnh rằng việc tiêm phòng, kết hợp với liều vaccine tăng cường, có vai trò quan trọng trong phòng chống Covid-19, khi người chưa tiêm không thể chỉ dựa vào khả năng miễn dịch của người đã tiêm để được bảo vệ trước virus.
Ông Lalvani khẳng định khi bị nhiễm bệnh, những người đã tiêm vaccine hầu hết mắc các triệu chứng nhẹ, vẫn tránh được các trường hợp nặng và tử vong.