Ngày 21/2, bên lề buổi ký kết bàn giao 19,79 ha đất quân sự, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) thông tin sau khi nhận đất từ Bộ Quốc Phòng, Bộ sẽ giao Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam bắt tay lập dự án cải tạo nâng cấp để trước đầu 2018 (trước Tết Nguyên đán) đưa vào khai thác toàn bộ.
Khai thác 40-45 triệu khách vào năm 2018
Ông Lại Xuân Thanh cho biết hiện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang quá tải, đặc biệt ùn tắc từ trên trời, nhà ga và đường giao thông kết nối. Việc Bộ Quốc Phòng tạm bàn giao gần 20 ha là một giải pháp bổ sung cấp bách để giải tỏa khi Cảng HKQT Long Thành chưa đưa vào hoạt động.
"Tiếp nhận khoảng đất này, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực khai thác của Tân Sơn Nhất", ông Thanh nói.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Phước Tuần. |
Chia sẻ về kế hoạch sử dụng khoảng đất mới nhận, ông Thanh cho biết hiện Tân Sơn Nhất có điểm nghẽn quan trọng là năng lực thông quan, ách tắc trên vùng trời. Ngành hàng không sẽ bắt tay xây dựng nhà ga T3, T4. Chậm nhất trước năm 2018 sẽ đưa toàn bộ dự án xây dựng nhà ga T4 vào khai thác.
Tuy nhiên trong quá trình thiết kế, thi công sẽ đưa dần những hạng mục đã xong và cần thiết để khai thác.
"Những thời gian cao điểm, máy bay phải bay vòng trên trời để đợi hạ cánh vì dưới sân đỗ Tân Sơn Nhất đang quá tải, ách tắc. Nhận thêm khoảng đất này, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ xây thêm 30 đến 35 vị trí đậu máy bay, đường lăn. Khi đó, các tàu bay chờ đợi sẽ được giải thoát nhanh", ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục HKVN, năm 2016 năng suất khai thác của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 32,5 triệu khách, dự kiến năm 2017 tăng lên 37-38 triệu. Với 19,79 ha tiếp nhận từ quân đội, Cục đảm bảo khai thác 40-45 triệu khách trong năm 2018 ở sân bay này.
Nhắc đến 2 đề xuất mở cổng sân bay của UBND quận Gò Vấp và Tân Bình, vị Cục trưởng chia sẻ tất cả góp ý, giải pháp mở rộng để giảm ách tắc cả bên trong lẫn ngoài Tân Sơn Nhất đều được đề cập trong bản điều chỉnh quy hoạch mở rộng.
"Hiện, đại diện Bộ GTVT chưa có ý kiến về hai đề xuất mở thêm cổng vào sân bay của 2 quận", ông Thanh chia sẻ.
Tính toán thu hồi sân golf
Ông Lại Xuân Thanh cho hay phương án thu hồi đất quân sự phía Bắc, trong đó có sân golf, đang được công ty tư vấn xem xét tính toán để trình Thủ tướng.
"Tất cả các phương án đều được đặt ra nhưng phải đảm bảo đồng bộ điều chỉnh quy hoạch, kết nối hệ thống sân đỗ, nhà ga và hệ thống giao thông. Tất cả đều được giải trình trong đồ án quy hoạch cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất trước khi trình Thủ tướng phê duyệt", ông Thanh nói.
Trước đó, trao đổi tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào tháng 8/2016, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho hay sân golf gần sân bay là "đất dự trữ quốc gia, của quốc phòng, của Nhà nước". Khi cần, có thể thu hồi bất cứ lúc nào.
"Cái lõm 127 ha trong sân bay, là sân golf bây giờ, xung quanh đấy đã bố trí các đơn vị phòng không để bảo vệ Tân Sơn Nhất. Không phải vì cái sân golf ấy làm ách tắc Tân Sơn Nhất. Bộ Quốc phòng được Thủ tướng cho phép làm sân golf là để cho sạch sẽ thôi", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn nói.
Đất quốc phòng (màu xanh) cạnh sân bay Tân Sơn Nhất trong đó có sân golf. Đồ họa: Minh Trí. |
Cuối tháng 4/2014, Bộ Quốc phòng đã bàn giao gần 8 ha đất cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất xây bãi đỗ, sân đậu máy bay nhằm giải quyết tình trạng quá tải, nâng từ 41 lên 46 vị trí đậu máy bay.
Đến tháng 12/2015, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng giao thêm 9 ha để làm bãi đậu và đường lăn phục vụ hàng không dân dụng và Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao luôn 21 ha.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 20/1, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị tư vấn ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chấp thuận.
Theo đó, đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ sẽ được xây dựng. Bên cạnh đó là việc cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách một năm, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất tương đương ở khu vực phía nam sân bay.
Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách mỗi năm.