Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghịch lý từ giá chuyển nhượng cầu thủ Trung Quốc

Giá chuyển nhượng của cầu thủ Trung Quốc đang tăng vọt chóng mặt gần đây, song chất lượng và thứ bậc đội tuyển trên bảng xếp hạng FIFA lại tỷ lệ nghịch với điều đó.

Bài phân tích trên Tân Hoa Xã số ra ngày 27/1 cho biết, bóng đá Trung Quốc vừa đánh dấu cột mốc tròn 20 năm từ ngày chuyển lên chuyên nghiệp. Tín hiệu khởi sắc đâu chưa thấy, chỉ có giá chuyển nhượng dành cho cầu thủ nội tăng đột biến 100 lần và đứng ngang hàng với những cầu thủ hàng đầu của châu Âu và Nam Mỹ. Dù vậy, thứ hạng của tuyển Trung Quốc lẫn thành tích thi đấu lại không ghi nhận sự khả quan.

Tiền vệ Sun Ke có giá không thua gì cầu thủ châu Âu. 

Cách đây hai tuần, làng bóng đá Trung Quốc chứng kiến vụ chuyển nhượng cầu thủ nội với mức giá kỷ lục khi đội bóng thuộc giải hạng 2 Tianjin Quanjian chiêu mộ thủ môn Zhang Lu từ Liaoning Whowin của giải Vô địch quốc gia Trung Quốc với giá 9,85 triệu euro. Phi vụ này chính thức phá kỷ lục của tiền vệ cánh phải Sun Ke hồi năm ngoái khi sang Tianjin Quanjian từ Jiangsu với giá 9,21 triệu euro.

So với cách đây hai năm, giá chuyển nhượng của cầu thủ nội ở Trung Quốc nay khác trước rất nhiều. Năm 1995, hai năm sau thời chuyên nghiệp, từng chứng kiến vụ chuyển nhượng đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc khi tiền đạo Li Bing cập bến Guangdong từ Liaoning với giá vỏn vẹn 90,000 euro. Nhưng lúc này, con số chuyển nhượng được tính bằng triệu euro, bất chấp chất lượng cầu thủ bị đặt dấu chấm hỏi.

Thật vậy, thủ thành Zhang Lu, đã 29 tuổi, nhưng không phải thủ môn hàng đầu của tuyển quốc gia Trung Quốc, đồng thời tên tuổi còn chưa biết đến rộng. Song, một điều đáng lưu ý rằng, giá của anh còn ngang bằng với hậu vệ Matthias Ginter người Đức khi gia nhập Borussia Dortmund vào năm 2014 với giá 10 triệu euro. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa Zhang Lu và Matthias Ginter khác nhau thế nào không cần nói cũng biết.

Một thủ môn không mấy tên tuổi của Trung Quốc có giá chuyển nhượng ngang bằng với Matthias Ginter (trái), cầu thủ trẻ khoác áo Dortmund.

Trước tình hình giá cầu thủ nội địa bị tăng vọt bất thường, nhiều người lo sợ thị trường chuyển nhượng Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng "bong bóng", khái niệm chỉ một thị trường trong đó giá cầu thủ tăng đột biến đến mức vô lý hoặc không bền vững.

Nhận định vấn đề này, tờ News Morning có trụ sở đặt tại Thượng Hải bình luận: "Đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn chưa nằm trong tốp hàng đầu châu Á, vậy mà những cầu nội lúc này có giá chuyển nhượng còn đắt hơn cả cầu thủ ngoại. Rõ ràng, giá chuyển nhượng của họ đang đi quá xa so với giá trị thực. Điều này làm dấy lên hiện tượng "bong bóng" và một sự ảo tưởng tồn tại trong làng bóng đá Trung Quốc".

Theo giải thích của một phần đông truyền thông, hiện tượng "bong bóng" giá chuyển nhượng cầu thủ nội Trung Quốc xuất phát từ sự kết hợp của một số nhỏ các cầu thủ nội có chất lượng và hạn ngạch dùng cầu thủ ngoại do Ban tổ chức giải bóng đá Trung Quốc đưa ra.

Guangzhou Evergrande (áo đỏ) bị quy cho làm thay đổi thị trường chuyển nhượng Trung Quốc.

"Những gì người ta nhìn thấy phản ánh đúng như nhu cầu cung và cầu ở thị trường bóng đá Trung Quốc. Do các CLB bị giới hạn sử dụng cầu thủ ngoại, họ phải tiến hành nạo vét các tài năng bản địa một cách triệt để. Nhưng thật không may khi Trung Quốc lại rất giới hạn những tài năng nội," tờ City Evening News có trụ sở ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) phân tích.

Lúc này, nhiều người đổ lỗi cho đội bóng nhà giàu Guangzhou Evergrande vì làm khuynh đảo thị trường chuyển nhượng. Theo đó, nhà vô địch Trung Quốc do có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẵn sàng bạo chi và đẩy giá của cầu thủ lên con số cao ngất ngưởng.

“Trong những năm gần đây, Evergrande chi rất nhiều tiền để mua cầu thủ ngoại lẫn nội. Điều này theo thời gian khiến giá trị các cầu thủ trở thành một sự tích lũy tăng dần, trong khi nhiều CLB khác lại đang đấu đá để tranh giành nội binh," Chinanews.com bình luận.

Giá cho cầu thủ nội Trung Quốc còn tăng vọt nữa.

Hôm thứ sáu tuần rồi, Guangzhou Evergrande đã bán tiền vệ 31 tuổi Zhao Xuri cho Tianjin Quanjian với giá rất cao lên tới 9,7 triệu euro. Trong khi cách đây 4 năm, họ chỉ mất 1/10 số tiền đó để sở hữu cầu thủ này. Không ai có quyền cấm Guangzhou Evergrande tỏ ra hào phóng với các mục tiêu chuyển nhượng, bởi họ luôn chi rất đậm cho các bản hợp đồng ngoại và nội, nhưng thời gian bắt đầu làm thị trường chuyển nhượng Trung Quốc có những sự thay đổi lớn. Theo đó, hiện tượng "bong bóng" giá cầu thủ cũng xuất hiện.

Ảnh hưởng của giá cầu thủ nội tăng cao giúp làng bóng đá Trung Quốc bắt đầu thu hút được sự chú ý từ truyền thông thế giới. Tuy nhiên, chất lượng cầu thủ lúc này lại được đánh giá tỷ lệ nghịch với giá chuyển nhượng. Hệ quả dẫn đến các cầu thủ nội khi lên tuyển hầu như không để lại bất kỳ ấn tượng nào, dù mang giá chuyển nhượng rất cao. Cụ thể, tuyển Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Gần nhất, tuyển U23 Trung Quốc bị loại ngay vòng bảng giải U23 châu Á diễn ra ở Qatar.

Theo Tân Hoa Xã, làng bóng đá Trung Quốc trở nên sôi nổi những năm vừa qua một phần nhờ sự đầu tư nhiệt tình của các tập đoàn tư nhân. Đây là một phần trong động thái xây dựng lại hình ảnh thể thao nước nhà sau những vụ bê bối tham nhũng từ trước năm 2011. Dự kiến tới năm 2025, tổng giá trị các vụ chuyển nhượng cầu thủ tại Trung Quốc ước tính có thể đạt tới ngưỡng hàng trăm triệu euro.

Kết hợp những cuộc đổ tiền vào bóng đá không tiếc tay, và sự xuống dốc của thị trường bất động sản cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, làng bóng đá TQ sẽ còn chứng kiến nhiều hiện tượng "bong bóng" nữa, Tân Hoa Xã kết luận.




Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm