Nghịch lý Đà Nẵng, Quảng Nam ngập nặng nhưng thủy điện khô cạn
Thứ ba, 11/12/2018 09:23 (GMT+7)
09:23 11/12/2018
Trong khi hạ du Đà Nẵng, Quảng Nam ngập nặng sau nhiều trận mưa lớn thì các thủy điện phía thượng nguồn lại khô cạn, gần mực nước chết.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam có mưa rất to, nhiều nơi xảy ra ngập sâu. Tuy nhiên, các thủy điện phía thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn... lại đang thiếu nước trầm trọng.
Tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), mực nước hồ đang xuống thấp nhất trong cùng kỳ 45 năm qua. Mực nước hồ hiện tại vào khoảng 150 m, cao hơn mực nước chết khoảng 9,7 m.
Lãnh đạo nhà máy cho biết thời gian này hàng năm là vào mùa lũ, thủy điện thường tích nước cho cả năm sau. Tuy nhiên năm nay, Thủy điện Sông Tranh 2 đang thiếu khoảng 418 triệu m3 nước (so với dung tích đầy hồ). Trong tháng 12, lượng nước về hồ chỉ khoảng 71 m3/s, thấp lịch sử. Đặc biệt, khi hạ du mưa to, lượng nước về hồ cũng không được cải thiện.
Tình cảnh thiếu nước còn nghiêm trọng hơn tại Nhà máy thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Nhà máy thủy điện lớn nhất Quảng Nam chứng kiến mực nước ngày 10/12 là 341,14 m, chỉ cao hơn mực nước chết một chút (340 m).
Khi Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa rất to, khu vực này chỉ có mưa nhỏ. Lượng nước về hồ chỉ khoảng 11,3 m3/s, trong khi trung bình hàng năm dịp này là 80-100 m3/s.
Số liệu lượng nước về hồ được tính toán hàng giờ bằng thiết bị sóng âm hiện đại. Theo tính toán, hiện tại lượng mưa từ đầu năm trên lưu vực đạt 1.478 mm, trong khi trung bình hàng năm là 2.400-2.600 mm.
Chỉ cao hơn mực nước chết trên 1 m, Thủy điện A Vương hoàn toàn ngừng phát điện để tích nước phục vụ cho nhiệm vụ phát điện, tưới tiêu năm tới. Nhiều khu vực ven hồ nhanh chóng để lộ ra các khoảng đất do nước rút sâu so với mọi năm.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương, cho rằng rất khó để hồ nước tích đủ mực 375,5 m theo trung bình hàng năm. Do đó, nhà máy đang chào giá 5.700 đồng/kWh để hạn chế bị điều động điện, phục vụ cho tích nước.
Tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), gần như không có mưa trong những ngày Đà Nẵng và Quảng Nam mưa to và ngập nặng.
Lượng nước ở hồ chỉ đạt khoảng 13,2% so với dung tích thiết kế và thiếu hụt 168 triệu m3 nước.
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4, rất nhiều hồ khu vực Miền Trung, Tây Nguyên gặp vấn đề thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô năm nay. Có thể kể đến các hồ như Đắk Mi, Yaly...
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp điện năm tới. EVN ước tính sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh sản lượng thủy điện. Nguồn điện thay thế là nhiệt điện than, khi cần có thể phải huy động cả nhiệt điện chạy dầu.
Vị trí một số nhà máy thủy điện tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Ban An toàn, Tập đoàn điện lực Việt Nam, đới gió đông kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn cho ven biển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Mưa lớn gây ngập lụt và cung cấp lượng nước lớn cho các hồ thủy lợi ở hạ du. Một số hồ phải xả lũ để đảm bảo an toàn do đập yếu. Tuy nhiên, tại các thủy điện thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn lại có lượng mưa nhỏ. Đới gió đông gây mưa cho vùng duyên hải đã không thể tiếp tục lên cao ở khu vực phía tây và gây mưa. Do đó các hồ thủy điện gần như không có thêm nhiều nước từ đợt mưa lớn này.
Hạ du Quảng Nam đang phải hứng chịu những cơn mưa lớn và chìm trong ngập lụt, nhưng ở khu vực thượng nguồn, các thủy điện thiếu nước do không mưa, hoặc mưa nhỏ.