Dòng máy gập ngang nhỏ gọn, chiếm 70% thị phần tại Việt Nam. Ảnh: Android Central. |
Năm 2023, ngành điện thoại gập tăng trưởng ngược dòng thị trường. Mảng sản phẩm nói trên tiếp tục đà tăng trong những năm trước đó. Tuy nhiên, vị thế của nhiều thương hiệu có sự thay đổi. Lợi thế dẫn trước của Samsung dần bị các đối thủ Trung Quốc theo kịp.
Ngoài ra, thị trường cũng có sự phân hóa mạnh về sức mua ở từng phiên bản. Dòng máy gập dọc dần thay thế các mẫu flagship cơ bản. Trong khi dòng Fold chưa đạt được sự phổ biến như kỳ vọng.
Máy gập nhỏ bán chạy hơn dòng lớn
Mảng điện thoại gập trong năm qua chứng kiến sự tham gia của nhiều thương hiệu mới. Hiện tại, hầu hết nhà sản xuất lớn trong ngành đều đã có điện thoại gập, trừ Apple. Đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của dòng máy này từ khi xuất hiện.
Trong đó, sự phát triển chủ yếu nằm ở các dòng máy gập dọc cỡ nhỏ (Flip). Oppo là nhà sản xuất tiêu biểu của trào lưu này với mức tăng trưởng khoảng 300%, vượt qua Huawei và chiếm 28,4% thị phần tại Trung Quốc.
Dòng máy gập ngang với nhiều công nghệ lại bán kém hơn sản phẩm Flip. Ảnh: Nylon.sg. |
Theo dữ liệu từ Counterpoint Research, Find N2 Flip là dòng máy gập có doanh số tốt nhất với thị phần 14,8%. Đây là dòng máy foldable phổ biến nhất nửa đầu năm ngoái.
Tại Việt Nam, dòng Galaxy Z Flip và Oppo Find N Flip cũng có doanh số tốt hơn nhiều so với “người anh em” gập ngang của mình.
“Hiện tại, doanh số dòng Flip nổi trội hơn Fold do sự tiện dụng về kích thước, cũng như mức giá của các sản phẩm”, ông Tuấn Minh, quản lý ngành hàng của Hoàng Hà Mobile trả lời Tri Thức - Znews. Tại nhiều đại lý lớn trong nước, tỷ lệ dòng máy gập nhỏ gọn chiếm đến 70% thị phần.
Điều này trái ngược với xu thế của flagship nói chung, khi sản phẩm đắt tiền nhất, sở hữu kích thước lớn và đầy đủ trang bị mới luôn được săn đón nhiều hơn.
Theo các đại lý trong nước, việc giá của thiết bị ở mức dễ tiếp cận tạo điều kiện để người dùng sở hữu điện thoại gập dọc. Mẫu Oppo Find N2/N3 Flip có giá 21-23 triệu đồng. Samsung đặt giá khởi điểm cho mẫu Z Flip5 ở mốc 26 triệu đồng, có nhiều ưu đãi đi kèm. Sau nửa năm ra mắt, hiện dòng máy này của công ty Hàn Quốc có giá 18 triệu đồng.
So với máy Fold, những sản phẩm gập dọc rẻ hơn khoảng 30%. Đồng thời, ở mức giá 35-45 triệu đồng, smartphone gập ngang phải cạnh tranh với iPhone dòng Pro Max, vốn có nhiều ưu thế về sự ổn định, chức năng cao cấp.
Đồng thời theo QQ, nhóm nữ giới dễ dàng đưa ra quyết định chi tiêu cho điện thoại gập đắt tiền. Oppo chiếm ưu thế nhờ việc tập trung vào đúng những khách hàng tiềm năng này.
Sự cạnh tranh ở các dòng máy gập dọc được dự báo sẽ gia tăng trong năm tới, khi Xiaomi, Honor vẫn chưa ra mắt sản phẩm ở phân khúc này.
Điện thoại gập ở Việt Nam
Khác với sự tăng trưởng toàn cầu, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, doanh số điện thoại gập của Việt Nam lại xuống dốc trong năm qua. Theo số liệu tổng hợp từ các nhà bán lẻ, dòng máy nói trên sụt giảm khoảng 21% về lượng sản phẩm bán ra trong năm 2023. Xét trên doanh thu, mức đi xuống là gần 30%.
"Có thể thấy rõ tác động khi nhìn giá các dòng máy gập. Hiện sản phẩm được điều chỉnh giảm giảm sâu tại hàng loạt đại lý", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS nói.
Gặp khó ở nhiều thị trường, điện thoại gập Samsung vẫn dẫn đầu tại Việt Nam. Ảnh: Android Central. |
Con số của máy gập trong năm qua tương đồng với toàn ngành di động trong nước, khi mức sụt giảm về doanh số được ước tính ở khoảng 33%.
Samsung vẫn dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ tại thị trường Việt Nam. Công ty Hàn Quốc hiện vẫn giữ hơn 90% thị phần điện thoại gập với sản phẩm chủ lực là mẫu Galaxy Z Flip5. Ngoài ra, chiếc Fold5 có doanh thu tốt với tỷ trọng 47%.
Oppo ra mắt 3 chiếc điện thoại gập trong năm ngoái. Sản phẩm có nhiều tính năng mới và sở hữu thiết kế bắt mắt. Hãng đặt mục tiêu vượt qua Samsung ở danh mục thiết bị này. Tuy nhiên, doanh số điện thoại gập của Oppo hiện vẫn khá khiêm tốn, ở mức 10% thị phần.
Theo nguồn tin của Znews, Huawei đã mang dòng điện thoại gập của hãng, chào hàng các nhà bán lẻ trong nước vào giữa năm 2023. Tuy nhiên, việc thiết lập giá cao và giới hạn về phần mềm khiến sản phẩm không được bán chính hãng.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.