Bỏ vợ vì nghề "bầu sô"
Tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, Hải Thụy không giấu giếm từ năm thứ 3 hệ trung cấp của Nhạc viện đã thử làm bầu sô. Đó là cuối năm 2003, chương trình đầu tiên là chuỗi Gala cười đi các tỉnh, có chương trình kiếm lời nhưng cũng nhiều chương trình thua lỗ.
Bầu Hải Thụy bảo chỉ cần 300 triệu làm vốn xoay vòng là anh đã có thể làm công việc bầu sô một cách thoải mái mà không phải vay mượn ai. Đến thời điểm này, anh không nhớ đã đứng ra tổ chức tất cả bao nhiêu sô diễn nhưng mỗi chương trình đều có những thăng trầm riêng.
Nếu có những đêm nhạc gây được dấu ấn trong lòng khán giả như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, đêm nhạc Thanh Tuyền, đêm nhạc tri ân Vinh Sử… thì cũng có những khi bầu Hải Thụy vấp phải những bài học đắng cay khi bị khán giả quay lưng. Bài học đắng cay nhất mà anh vấp phải là “bắt chước” TP.HCM tổ chức show ca nhạc quy tụ những gương mặt đình đám vì scandal. Chính câu slogan tưởng là đùa vui “chương trình không dành cho phụ nữ đoan trang và trẻ em dưới 18 tuổi” ở banner khiến cho đêm diễn thất bại thảm hại về doanh thu lẫn uy tín.
Bầu Hải Thụy (ngoài cùng bên phải) cùng nhạc sĩ Vinh Sử và người đẹp Trà Ngọc Hằng. |
Hải Thụy cho rằng khi theo nghiệp bầu sô cũng có nghĩa là anh phải chấp nhận cả những niềm vui và những đắng cay. Anh không phủ nhận vì đam mê với công việc này (liên tục phải tiếp xúc với nghệ sĩ, trong đó có nhiều ca sĩ đẹp và nổi tiếng) mà anh đã phải đối diện với sự chất vấn, suy xét và cuối cùng đi đến quyết định ly hôn với người vợ đầu.
“Từ khi tôi tốt nghiệp Nhạc viện cho đến giờ, trước mỗi năm học, trường Cao đẳng văn hóa du lịch Sài Gòn đều liên lạc có ý mời tôi vào trong đó giảng dạy. Có những cơ hội tốt cho mình sau này nhưng tôi vẫn muốn theo nghề bầu sô. Tôi thích vì thấy nó thoải mái hơn là người làm công viên chức. Có người từng hỏi tôi rằng tôi theo nghề bầu sô có phải để kiếm tiền dễ hơn, nhanh giàu. Nói thật rằng cuộc sống này chẳng biết như thế nào mới là giàu. Hiện tại với công việc bầu sô ca nhạc, tôi thấy mình có đầy đủ đáp ứng cho cuộc sống hàng ngày” – bầu Hải Thụy tâm sự.
Từ bầu sô khét tiếng chuyển qua “buôn vàng”
Với giới ca sĩ trong nước cũng như hải ngoại, cái tên Hoàng Tiến (hay còn được gọi thân mật là “Tiến thuốc tẩy”) đã khá quen thuộc khi anh liên tiếp tổ chức thành công rất nhiều show ca nhạc lớn, quy tụ nhiều giọng ca như Tuấn Vũ, Chế Linh, Thanh Tuyền, Quang Lê, Minh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng...
Vốn xuất thân là ca sĩ, từng đoạt giải 4 cuộc thi Giọng hát Trẻ Hà Nội, tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia nhưng Hoàng Tiến không an phận làm một thầy giáo dạy thanh nhạc hay một ca sĩ thuộc biên chế của một đoàn nghệ thuật nào đó mà muốn dấn thân với công việc làm bầu sô. Khi học năm thứ hai đại học (lúc đó là năm 2001), bầu Tiến đứng ra làm sô đầu tiên là liveshow Đàm Vĩnh Hưng ở Cẩm Phả (Hạ Long) và không lãi xu nào. Nhưng càng làm anh càng có thêm những bài học cho riêng mình về khâu tổ chức. Với hơn 10 năm trong nghề, anh cho rằng chuỗi đêm nhạc của Tuấn Vũ là thu về nhiều lợi nhuận nhất.
Bầu Hoàng Tiến (thứ hai từ phải sang). Ảnh: Mạnh Thắng. |
“Với số tiền lãi từ việc tổ chức 8 đêm nhạc Tuấn Vũ tại Nhà hát Lớn, một đêm ở Cung Việt Xô và một đêm ở khách sạn Daewoo, tôi có thể đủ tiền để sống trong vòng 20 năm. Người ca sĩ cho tôi nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc nhất khi tổ chức các đêm nhạc chính là danh ca Chế Linh” - Hoàng Tiến thổ lộ.
Hoàng Tiến bảo có làm nghề bầu sô mới hiểu đôi khi tiền làm lóa mắt con người ta. Anh nói: “Phơi bày sự thật đẹp đẽ gì đâu. Tôi là người tổ chức show thích thì làm không thích thì tạm ngưng còn người ta nếu không đi hát thì… Nhưng cũng phải nói thật có những nghệ sĩ lật lọng trắng trợn lắm”.
Hoàng Tiến không giấu giếm mấy tháng qua, anh tập trung cho công việc buôn vàng và tạm gián đoạn công việc bầu sô. Là người coi trọng chuyện gia đình, anh cũng muốn dành thời gian cùng bà xã chăm sóc hai cô con gái bé nhỏ. Khi nào thấy hào hứng anh sẽ quay trở lại tiếp tục với công việc bầu sô.
Những “nghịch cảnh, éo le” của bầu sô
Là người lâu năm trong nghề bầu sô, chị O. bảo câu chuyện về bầu T. trong làng Chèo vẫn được nhiều người làm nghề truyền tai nhau coi đó là bài học xương máu để rút kinh nghiệm. “Bầu T. là người làm mưa làm gió với vở chèo Nàng Si ta đợt đầu tiên công diễn. Một cặp giấy mời khi đó thường bán được với giá nửa chỉ vàng mà ngày nào bầu T. cũng sở hữu trong tay vài chục giấy mời. Bầu T. giàu nổi tiếng, ông mua 5 nhà ở Hà Nội, có 3 bà vợ tiêu xài tiếng tăm nổi như cồn trong làng nghệ. Nhưng khi lún sâu vào vòng xoáy cờ bạc, ông không những bị hao mòn của cải mà các nhân tình nhân ngãi cũng quay mặt đi. Bầu T. từ chỗ sung sướng trọng vọng đã phải bỏ về quê sống ẩn dật xa lánh bạn bè” – chị O. kể.
Tuy nhiên, trong làng bầu, có lẽ số phận hẩm hiu khiến nhiều người vẫn nhớ đó là nhạc sĩ Đỗ Quang. Dù xây dựng hình ảnh 1088 thành công rực rỡ, nhưng chính nghề làm bầu bạc bẽo, không chịu nổi áp lực, anh đã tự tử khi còn rất trẻ.