Nghịch cảnh của những hộ trồng hoa ở Hải Phòng
Ngày cận Tết, những ruộng hoa nở rộ, đua nhau khoe sắc nhưng chủ vườn thì buồn vì giá rẻ mà ít khách mua.
Tại ruộng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Nhẫn (36 tuổi, trú tại khu 9 – Đằng Hải – Hải An – Hải Phòng), hoa cúc trắng đã nở rộ, bung hết những cánh cuối cùng của một bông nhưng chưa được thu hoạch. Anh Nhẫn nhìn luống hoa nở quá độ, sắp tàn phân trần: “Nhà tôi có khoảng hơn 700m2, trồng chủ yếu là hoa cúc các loại. Hoa nở bung hết cả rồi nhưng chẳng buồn cắt đem bán vì giá rẻ quá, tính ra không đủ tiền giống, tiền phân và công chăm bón. Giá năm nay chỉ bằng ¼ giá năm ngoái. Năm ngoái chúng tôi bán khoảng 2,5-3 nghìn/1bông hoa cúc, như thế còn có chút công. Năm nay, đến ngày cúng ông Công, ông Táo chúng tôi cũng chỉ bán được với giá 500 – 1nghìn đồng/1 bông, mà cũng rất ít người mua. Nhiều lần mang đi bán chẳng được, chúng tôi lại phải bỏ đi. Xót lắm!….”.
Anh Nhẫn bên ruộng hoa đã đến độ thu hoạch của mình |
Chừng như chưa hết hy vọng, anh Nhẫn bảo: “ Hoa muốn bán được giá thì thời tiết phải se lạnh, âm u, không có mặt trời. Nhưng hiện tại thì trời lại nóng ấm như mùa hè thế này, người chơi cũng chẳng thích mua hoa. Thấy dự báo 28 Tết thời tiết sẽ lạnh trở lại. Tôi nghĩ là giá hoa sẽ nhích lên đôi chút, may ra chúng tôi gỡ gạc thêm được đồng vốn, chứ chả hy vọng có lãi…”.
Cụ Lê Thế Cam (75 tuổi, trú tại khu 9 Hà Lũng – Hải Phòng) dẫu đã mắt mờ, chân chậm vẫn miệt mài bên ruộng hoa của nhà mình. Cụ tâm sự: “Nhà tôi sinh toàn con gái, các cháu nó có gia đình riêng cả, chỉ còn 2 vợ chồng già ở với nhau. Bà nhà tôi ốm đau, nằm một chỗ. Mình tôi vẫn phải chăm 3 sào hoa. Với giá bán như năm nay thì chả có Tết nữa rồi, may ra chỉ có hương hoa thắp hương các cụ….”. Khi đề nghị được mua ít hoa thạch thảo, gương mặt cụ Cam bỗng giãn ra đôi chút. Cụ Cam cắt một bó hoa rất to, buộc cẩn thận rồi trao cho chúng tôi. Bó hoa chừng 20 chục cành, và giá có 10.000 nghìn đồng.
Theo những người trồng hoa thì quy trình trồng và chăm sóc cây hoa đến ngày thu hoạch là rất công phu. Họ phải mua giống tận Đà Lạt, Nam Định hoặc Hà Nội. Lúc mới trồng, để giúp cây chống lại thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, người nông dân phải thắp cả một dàn bóng điện suốt đêm cho cây sinh trưởng. Thời gian thắp điện từ 40 - 45 ngày. Rồi họ phải bấm ngọn cây để cây đẻ nhánh. Khoảng một tháng sau đó cây hoa bắt đầu có nụ. Giai đoạn này, người nông dân phải mất công tỉa cành, lá để chăm chút cho nụ nở thành bông hoa đẹp.
“Nếu cứ bán với giá 500-1000 đồng/bông như năm nay thì chúng tôi chả có công suốt hơn 3 tháng trời lao động, thậm chí là thâm vào tiền vốn….” – một người phụ nữ nói. Chị ta ngán ngẩm nhìn ruộng hoa đang độ đẹp nhất nhưng…chẳng mấy người mua.
Hoa nở rộ, nhiều cây quá độ đã chuyển sang héo tàn ngay trên luống. Ở một góc khác của làng hoa Lũng Hà (Hải Phòng), những cây hoa cúc còn nguyên bông đã nở bung, được người dân nhổ lên, chất đống, héo khô. Số hoa ấy giờ chỉ có thể phơi ải để làm phân xanh cho vụ tới.
Trên khắp các làng hoa ở Hải Phòng, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 23 tháng Chạp, nhiều nam thanh, nữ tú đã tìm đến để ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên hoa. Họ ra vào ruộng hoa mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào.
Nghịch cảnh ngày xuân: hoa tươi, người "héo" đang diễn ở các làng hoa. Trời ấm khiến hoa tươi rói nhưng người trồng thì âu sầu vì “giá bán rẻ bán chả đủ công, và cũng không có mấy khách mua…” – một người trồng hoa ở đây cho biết.
Một số hình ảnh ghi lại tại làng hoa Hải Phòng:
Hoa đang độ rực rỡ trước thềm xuân. |
Trời ấm khiến cho hoa nở rộ trước Tết. |
Nhiều ruộng hoa nở quá độ mà chẳng thể bán và dù có bán cũng chẳng đủ công. |
Chẳng mấy người mua nên nhiều luống hoa héo úa, chết khô mà không được đem bán. |
Thùy Linh
Theo Infonet