Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghĩa trang 'chung cư' nơi người nghèo chôn tạm người thân ở Manila

Nhiều người nghèo tại Philippines phải chấp nhận tạm chôn thân nhân họ trong những ngôi mộ "xếp lớp" được thuê với thời hạn 5 năm và không được phép gia hạn.

Vào một buổi tối đầu tháng 7 ở ngoại ô Manila, khi nhiệt độ cuối cùng cũng hạ xuống mức có thể chịu đựng được, Susan Aguirre đến thăm nghĩa trang thành phố Pasay. Đó là ngày thứ 40 sau khi mẹ bà qua đời vì một cơn đau tim.

Giữa đám trẻ đang chơi đùa, lũ chó đứng sủa và âm thanh vọng đến từ những chiếc loa ở đàng xa, giữa mùi hương trộn lẫn của rác rưởi đang được đốt và những thân thể đẫm mồ hôi, Aguirre đặt xôi cúng lên bờ rìa của ngôi mộ nhỏ như chiếc hộp của mẹ bà.

Nơi mẹ Aguirre được an táng là phần dưới của một khu "nghĩa địa chung cư" với những ngôi mộ nằm san sát và chồng lên nhau. Xôi là món ăn yêu thích của mẹ bà, Aguirre nói.

thue mo anh 1
Những phần mộ nằm sát và chồng lên nhau ở nghĩa trang. Ảnh: South China Morning Post.

Những nơi an nghỉ chưa cuối cùng

Không giống những ngôi mộ riêng lẻ khác, những phần mộ trong "chung cư" được thuê với kỳ hạn 5 năm và không được phép gia hạn. Sau thời gian đó, nếu gia đình không di dời, những bộ xương cốt sẽ được bỏ vào bao hoặc hộp và vứt bên lề nghĩa địa.

Aguirre không hề biết rằng phần mộ của mẹ bà không được gia hạn.

"Ở những nghĩa trang khác, người ta có thể gia hạn", bà nói. Khi gia đình bà trả 6.000 peso (khoảng 340 USD) để mua phần mộ với tấm bia nhỏ được chạm trổ cẩm thạch này, người ta không nói rằng hài cốt của mẹ bà sẽ phải ra đi sau đó.

Sau lưng Aguirre là một đống xương nằm chất lên nhau, trước một "bức tường mộ" đang bị các công nhân trong nghĩa trang tháo ra để chờ người chủ mới.

"Tôi thấy tội nghiệp cho họ, dù họ chỉ còn là xương", bà nói. Nếu có đủ tiền, Aguirre sẽ đưa hài cốt mẹ bà về quê.

Đối với nhiều người, việc để cho người thân được chôn cất rồi lại bị đào lên là một nỗi xấu hổ. Dù vậy, nhiều người nghèo đang phải chấp nhận việc này như một sự thật hiển nhiên.

Trước đây, ban quản lý nghĩa trang thường gửi thư để nhắc nhở các gia đình về ngày ngôi mộ của thân nhân họ hết hạn. Sau khi có quá nhiều lá thư bị trả về người gửi, nghĩa trang đã cho dừng thủ tục này. Giờ đây, các gia đình phải tự nhớ kỳ hạn 5 năm, nếu không, hài cốt người thân họ sẽ bị khai quật mà không có bất kỳ nghi lễ nào kèm theo.

thue mo anh 2
Mỗi người chết chỉ có thời hạn 5 năm ở "chung cư" này. Ảnh: South China Morning Post.

Nối tiếp nhau vào mộ

Roger Tamayo chết ngày 4/7/2012, hưởng dương 33 tuổi. Đó là tất cả những gì người ta biết về anh ta lúc những người đào mộ chuẩn bị mang hài cốt anh ta đi.

Pinoy Cesista sống ở một căn lều ở nghĩa trang và trông nom 150 ngôi mộ chung cư. Mỗi gia đình có thân nhân nằm đây sẽ trả anh ta 50 peso/tháng (gần 3 USD). Casista nói rằng việc phải "đuổi" các hài cốt khỏi hầm mộ không phải công việc ông thường phải làm. Việc mở ngôi mộ, lấy ra bộ xương đang mục rữa mà không có bất cứ thân nhân nào của người chết ở cạnh, việc đó như hòn đá nặng đè lên lương tâm ông.

Cesista phá niêm phong và mang bộ hài cốt ra phơi bày giữa ánh sáng gay gắt của buổi sáng mùa hè. Bộ hài cốt này được mang giày, truyền thống nhiều người Philippines thường làm với người thân qua đời.

Trong khi Cesista làm việc của mình, một cư dân khác tại nghĩa trang, cô Regie Marcelino ngồi kể câu chuyện về một người đào mộ khác. Anh ta không kiềm lòng được đã lấy đi đôi giày của một bộ hài cốt. Không lâu sau, người này bị ngã nặng, bị chó cắn và cuối cùng đã phải đem đôi giày trả lại vào ngôi mộ trống không mà bộ hài cốt kia từng cư ngụ. "Anh ta cho rằng người chết nổi giận với mình", Marcelino nói.

Những người sống trong nghĩa trang biết rằng họ phải tôn kính người chết. Dù vậy, Cesista chẳng có cách nào khác ngoài việc vứt xương cốt Tamayo vào một cái bao rồi đặt sang một bên.

thue mo anh 3
Xương cốt bị cho vào bao và ném sang rìa nghĩa trang. Ảnh: South China Morning Post.

Đến 11h, chiếc quan tài màu trắng của Noel Matriano, 49 tuổi, được đưa vào nghĩa trang, theo sau ông là khoảng 30-40 người đưa tiễn. Người vợ góa nhìn Matriano lần cuối trước khi quan tài ông được đưa vào nơi mà hài cốt Tamayo đã bị đưa khỏi. Tất nhiên, đó cũng chẳng phải là nơi an nghỉ cuối cùng cho Matriano.

Cũng tại nghĩa trang Pasay, cách không xa phần mộ của mẹ bà Aguirre, gia đình Juliana Padon đang đến viếng bà. Padon qua đời vào năm 2012 ở tuổi 101 và vì vậy bà được nhận khoản tiền 100.000 peso từ chính phủ dành cho những người sống quá 100 tuổi. Khi được thông báo rằng nghĩa trang không cho phép gia hạn thời gian thuê mộ, con gái bà nói.

"Nó có thể thuê được, chúng tôi quen với người đứng đầu 'barangay'", bà nói. Barangay là đơn vị hành chính nhỏ nhất của Philippines, tương đương một phường, xã.

Người trưởng barangay hóa ra là cháu trai bà Padon.

Cuộc sống dưới lệnh thiết quân luật ở quê tổng thống Philippines

Một số người dân ở Davao cảm thấy an toàn nhờ lệnh thiết quân luật trong khi cảnh sát cho rằng đây là đôi cánh chắp thêm cho họ trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm.

Taliban: Afghanistan sẽ trở thành 'nghĩa địa' của quân Mỹ

Ngày 22/8, Taliban cảnh báo Afghanistan sẽ trở thành "nghĩa địa" của quân đội Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố gửi thêm hàng nghìn quân đến đất nước Nam Á. ​

Phương Thảo

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm