Nghĩa địa động vật thành địa điểm du lịch nổi tiếng
Nằm ở vùng ngoại ô Paris, cạnh thị trấn Asnières-sur-Seine, nghĩa trang 114 năm tuổi được coi là nghĩa trang vật nuôi lâu đời nhất trên thế giới. Mỗi năm nơi này thu hút 3.500 khách tham quan.
Nơi “yên nghỉ” của 40 nghìn vật nuôi
Năm 1899, Chính phủ Pháp ban hành một đạo luật cho phép chôn cất các động vật thay vì ném chúng vào thùng rác hay xuống sông, nhưng phải xa nơi ở của con người ít nhất 100m và chôn sâu tối thiểu là 1m. Nhà báo Marguerite Durant và luật sư Georges Harmois đã quyết định mua lại một dải đất trên hòn đảo nhỏ gần Pont de Clichy để xây dựng khu nghĩa trang chó và vật nuôi trong nhà.
Tại lối vào của nghĩa trang có một đài tưởng niệm dành riêng cho chú chó có tên là Barry đã chết trong thế kỷ XIX. Barry thuộc sở hữu của các tu sĩ ở Grand Hospice du Saint Bernard và được huấn luyện để tìm kiếm khách du lịch mất tích. Vào một ngày dông bão, chú chó Barry được cử đi tìm kiếm thông tin về đoàn khách 41 người gặp nạn trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ, trong đó, một cậu bé bị mắc kẹt trên mỏm đá băng giá không thể tiếp cận. Barry đã chết khi cố gắng tiếp cận cậu bé. Tuy nhiên, xác của Barry không được chôn ở nghĩa trang này mà hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Sĩ ở Bern.
Một bức tượng khác được xây dựng vào năm 1912 dành cho những chú chó đã “hy sinh” trong khi giúp lực lượng cảnh sát cứu hộ, đó là chú chó Butterfly từng phục vụ 8 năm liền ở quận 16 của Paris, Leo - một chú chó không may thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Nghĩa trang này cũng là “nơi yên nghỉ cuối cùng” của nhiều thú cưng thuộc sở hữu của các hoàng tử, công tước và những người nổi tiếng khác như Alexandre Dumas, Sacha Guitry.
Ngoài ra, còn có “phần mộ” của Moustache - một chú chó khôn ngoan trong lực lượng quân đội của Napoleon, Prince of Wales - chú chó đã tham gia hơn 400 vai diễn trên sân khấu Théâtre du Gymnase. Thậm chí, chú chó hạng sao Hollywood là Tin Tin Rin (từng được thông tin là có số phiếu bình chọn cao nhất cho danh hiệu “Nam diễn viên xuất sắc nhất” của giải Oscar nhưng không được trao giải vì là một chú chó) cũng có mặt tại nơi này.
Vào năm 1958, một chú chó đi lạc và chết ở phía cổng vào của nghĩa trang, các nhà quản lý đã quyết định xây dựng một khu mộ cho chú chó này và đây là cá thể thứ 40.000 được chôn cất tại nghĩa trang chó và vật nuôi trong nhà ở Paris.
Minh chứng cho tình yêu giữa người và động vật
Khu nghĩa trang thực sự làm xúc động bất kỳ du khách nào đặt chân đến. Ngôi mộ cho “cô mèo” Caty với dòng chữ “người bạn đồng hành trung thành sẽ mãi mãi được ghi nhớ”. Có những ngôi mộ đôi, thậm chí mộ có đến 3-4 chú mèo được chôn chung.
Chú mèo Tipsy có một bia mộ tròn trong khi mộ của “cô mèo” bên phải được bao quanh bằng những chùm hoa. Thậm chí ngày sinh, ngày mất của từng vật nuôi cũng được chú thích rất rõ ràng. Những dòng chữ như “Bé yêu Kiki của chúng tôi”, “Cachou và Smoky an nghỉ nơi đây”... được viết khắp nơi trên những tấm bia trong nghĩa trang.
Nghĩa trang chó và những vật nuôi trong nhà ở Paris hiện vẫn được nhiều người coi là một minh chứng cho sự gắn bó giữa con người và động vật. Trong một trang quảng cáo của một công ty lữ hành chuyên nghiệp ở Paris có viết rằng “chỉ mất 20 phút đi tàu điện ngầm từ Paris, bạn có thể đến được nơi có thể thay đổi cảm xúc của mình. Chắc chắn nơi này sẽ làm xúc động ngay cả với những người có trái tim sắt đá”.
Patrick Roberts (73 tuổi) đã từ nước Anh đến Pháp để được “mục sở thị” nghĩa trang độc đáo và khám phá kho tàng ẩn bên ngoài thủ đô nước Pháp. Khi về, người đàn ông này quyết định lập và điều hành một trang web có tên là Purr-n-fur cung cấp đầy đủ thông tin về các ngôi mộ.
Ông Patrick cũng cho biết thêm rằng, việc duy trì hoạt động của nghĩa trang rơi vào khó khăn và gần như phải đóng cửa trong những năm gần đây.
“Nghĩa trang Le cimetiere des chiens et Autres Animaux Domestiques không chỉ là một nghĩa trang thuần túy, bởi cảm xúc và đau buồn đã trở thành biểu tượng của tình yêu mạnh mẽ giữa con người và động vật. Cần phải coi nó như một di tích lịch sử để giữ gìn cho thế hệ sau” - ông Patrick nói.
Theo Lao Động