Hiệp hội này cũng đặt nghi vấn: Phải chăng sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn?.
Hiệp hội Mía Đường phản pháo Thứ trưởng Bộ Công thương
Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú có bài viết “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam”, trong đó có đưa ra một số luận điểm về thực tiễn ngành mía đường Việt Nam hiện nay, và so sánh giá thành, kỹ thuật công nghệ giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với các doanh nghiệp trồng mía trong nước, ngày 3/3, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có văn bản phản bác lại ý kiến của Thứ trưởng Tú.
"Trước hết, cám ơn ông Thứ trưởng đã có nhiệt tình và 'phát biểu một cách có trách nhiệm về những nội dung liên quan', chúng tôi không biết là Thứ trưởng nhận định, đánh giá và góp ý hay là đưa ra ý kiến của mình để điều hành ngành mía đường với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công thương.
Chúng tôi nghĩ, có lẽ do thiếu thông tin hay chỉ nghe thông tin một chiều chưa được kiểm chứng tính chính xác, từ đó Thứ trưởng dẫn chứng và đưa ra lý luận, ngoài một số điểm chúng tôi đồng tình, thì có nhiều điểm chúng tôi xin có ý kiến để làm rõ tính chính xác của lý luận bổ sung thêm, cho rõ nhằm có giải pháp để 'khẩn trương đổi mới ngành đường Việt Nam' mà chúng ta đang mong mỏi...", Hiêp hội Mía Đường Việt Nam bày tỏ.
Theo đó, Hiệp hội Mía Đường cho rằng, việc Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú coi đường của HAGL sản xuất tại Lào cũng giống như đường sản xuất của Việt Nam là không hợp lý. Hiệp hội này đặt giả thiết ngược lại: Việt Nam có hơn 4 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, họ cũng mở sản xuất, công nhân cũng là Việt kiều, thì vậy có xem đó là sản xuất như trong nước không?
"Tổ chức thương mại thế giới WTO và các Hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia ký kết có quy định như quan điểm của Thứ trưởng nêu không?
Ngoài ra, theo Quyết định 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 02/2/2012, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đều không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường mới. Nếu coi nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai mới xây dựng ở Lào như là nhà máy đường Việt Nam thì có đúng với 2 Quyết định này không?", Hiệp hội Mía Đường Việt Nam nêu quan điểm.
Nếu rẻ thì tiêu thụ ở đâu cũng được!
Cùng với đó, Hiệp hội này cũng cho rằng, nếu đường của HAGL tại Lào có giá thành thấp như HAGL công bố thì tiêu thụ ở đâu cũng dễ dàng, chứ không cần đưa về tiêu thụ tại Việt Nam. Tại sao HAGL không xuất khẩu trực tiếp vào các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm với số lượng gấp hàng trăm lần sản lượng của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất?
"Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của HAGL còn có điều gì chưa ổn? Nếu đường của HAGL với giá thành thấp như thế, có một số ý kiến cho rằng, nhập đường này về để dân Việt Nam được ăn đường giá rẻ, liệu HAGL có bán đường giá rẻ như ý kiến mong đợi đó cho dân Việt Nam không? Hay là bán theo giá của thị trường Việt Nam?", Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết.
Từ đó, Hiệp hội này cho rằng, đối với đường của bầu Đức tại Lào, nếu cho nhập về Việt Nam thì phải áp dụng như đường các nước trong khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam trong lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm, và áp dụng thuế nhập khẩu theo ATIGA và hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào, là đã được ưu đãi nhiều so với xuất xứ các nước khác trong khối ASEAN, chứ không thể xem đó là đường sản xuất trong nước.
Đối với luận điểm của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khi cho rằng, ngành mía đường Việt Nam cần phải học tập, cạnh tranh với HAGL, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng, không thể có sự cạnh tranh khi điều kiện cơ bản của 2 đối thủ hoàn toàn khác nhau.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã có bài viết phân tích về ngành mía đường Việt Nam.
Theo đó, Thứ trưởng Tú cho rằng, Nhà máy mía đường của HAGL tại Lào là do “một doanh nghiệp Việt Nam” đầu tư, vay vốn từ ngân hàng Việt Nam, đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động của cả hai nước, trong đó đa phần các cán bộ kỹ thuật canh tác mía và vận hành nhà máy là người Việt Nam.
Có thể nói một cách hình tượng rằng, cách làm của HAGL thực chất chỉ là thuê đất của các bạn Lào và sản phẩm của HAGL là sản phẩm của Việt Nam.
Nhà máy đường của HAGL đầu tư tại Lào thành công cũng có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam thành công, và ngược lại nếu thất bại thì doanh nghiệp Việt Nam thất bại, ngân hàng Việt Nam mất tiền, người lao động Việt Nam mất việc và gánh nặng thuộc về nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc nhập khẩu đường của HAGL thực chất cũng chỉ là đường do Việt Nam sản xuất.
Vì vậy, ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với HAGL tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả.