Hơn một năm qua, Caspien Gruta (12 tuổi) bị nhiều người trêu chọc vì trì hoãn việc đi cắt bao quy đầu, ban đầu là do một vụ phun trào núi lửa, sau là đại dịch Covid-19 bùng phát.
"Cháu lo rằng nếu không cắt bao quy đầu ngay, cháu sẽ bị xem thường", Gruta nói.
Vừa qua, Gruta là một trong những cậu bé lớn tuổi nhất xếp hàng tại một sân bóng rổ có mái che được trưng dụng thành phòng khám tạm ở Cavite, một trong số ít tỉnh đang từ từ nối lại các dịch vụ miễn phí kể từ tháng 5, theo AFP.
“Bây giờ, cháu cảm thấy mình là người Philippines chính hiệu vì cắt bao quy đầu là một phần của việc trở thành một người Philippines", Gruta nói sau thủ thuật kéo dài 20 phút.
Đeo khẩu trang và kính chăn giọt bắn, các cậu bé tương tự ngồi đợi đến lượt trên những chiếc ghế nhựa. Một số trông có vẻ hào hứng hoặc cố hết sức để tỏ ra thờ ơ, một số khác bồn chồn.
Hoạt động cắt bao quy đầu miễn phí cho trẻ em nam phổ biến ở Philippines. Ảnh: AFP. |
Sau khi cởi bỏ quần đùi, các cậu bé nằm xuống bàn, háng được phủ khăn phẫu thuật. Một số cắn vào khăn mặt hoặc bịt mắt khi được gây tê. Sau đó, các bác sĩ tiến hành thực hiện thủ thuật.
“Cháu cắt bao quy đầu vì mọi người nói cháu sẽ cao lớn hơn và chơi thể thao tốt hơn”, Almer Alciro (12 tuổi) nói.
Gia đình không đủ tiền cho Alciro thực hiện thủ thuật này ở bệnh viện tư nhân, nơi chi phí có thể lên tới 12.000 peso (240 USD) - cao hơn số tiền nhiều công nhân kiếm được trong một tháng.
Trong khi chờ đợi dịch vụ cắt bao quy đầu miễn phí hoạt động trở lại, cậu bé 12 tuổi bị nhiều bạn bè chế giễu, gọi là kẻ chưa cắt bao quy đầu - mang hàm ý xúc phạm, chê là kẻ hèn nhát ở một quốc gia xem việc thực hiện thủ thuật này là biểu hiện của sự nam tính.
“Cháu rất vui vì cuối cùng đã được cắt bao quy đầu", Alciro nói.
Nghi thức văn hóa
Philippines là quốc gia có tỷ lệ cắt bao quy đầu cao trên thế giới, nhiều người coi đây là chìa khóa để các bé trai bước vào giai đoạn trưởng thành.
Ngay cả khi việc cắt bao quy đầu bị giám sát ngày càng chặt chẽ ở nhiều nơi, bị một số người chỉ trích là "ngược đãi trẻ em", hoạt động này vẫn phổ biến ở Philippines và các bé trai phải đối mặt áp lực rất lớn khi trải qua thủ thuật này.
Mỗi năm, hàng nghìn thiếu niên Philippines từ các gia đình nghèo được phẫu thuật miễn phí tại các phòng khám do chính phủ hoặc các tổ chức cộng đồng tài trợ. Tuy nhiên vào năm ngoái, lần đầu tiên "mùa cắt bao quy đầu" bị hủy bỏ vì dịch Covid-19 bùng phát, làm trì hoãn cột mốc quan trọng đối với nhiều cậu bé như Gruta, khiến các em bị nhiều người chế giễu.
Các cậu bé đối mặt áp lực lớn về việc phải thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu. Ảnh: AFP. |
Cắt bao quy đầu nam giới có xu hướng phổ biến hơn ở các quốc gia có nhiều người Do Thái hoặc theo đạo Hồi. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 90% nam giới Philippines cắt bao quy đầu không vì lý do tôn giáo.
Những cậu bé mới lên 8 đã phải đối mặt với áp lực thực hiện thủ thuật này. Ngay cả các quảng cáo của bệnh viện cũng thúc giục các cậu bé "Hãy đàn ông lên".
Trước đại dịch, tháng 4 đến tháng 6 được xem là "mùa cắt bao quy đầu" vì học sinh được nghỉ hè. Thông thường, hàng trăm cậu bé được phẫu thuật ở các phòng khám tạm trong một ngày nhưng hiện do dịch Covid-19, quy mô thực hiện được thu gọn hơn.
Theo Nestor Castro, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Philippines, cắt bao quy đầu là một “đường ranh giới” quan trọng giữa bé trai và đàn ông, khi các thiếu niên sẽ gánh vác trách nhiệm trong gia đình nhiều hơn và tìm hiểu về giới tính.
“Một khi một cậu bé được cắt bao quy đầu, cậu bé ấy không còn là đứa trẻ mà được coi như một người trưởng thành. Nếu là nam giới đã cắt bao quy đầu, một chàng trai nên hành động như người đàn ông trưởng thành, không còn là một cậu bé nữa".