Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghỉ Tết dài gây ảnh hưởng nặng nề đến VĐV đỉnh cao

Tết là dịp để mọi người, mọi nhà được sum vầy, nghỉ ngơi sau một năm vất vả, nhưng theo chuyên gia Dương Đức Thủy thì với các VĐV, việc nghỉ Tết lại lợi bất cập hại.

Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy từng là kỷ lục gia nhảy xa nam, cựu HLV trưởng đội tuyển QG nên có cái nhìn khá thấu đáo: "Thực ra tâm trạng của hầu hết mọi người, chứ không riêng gì VĐV đều mong được nghỉ Tết, thậm chí là nghỉ Tết dài ngày. Thế nhưng việc nghỉ Tết sẽ phá vỡ chu trình huấn luyện của các VĐV. Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài tới 9 ngày này, các VĐV sẽ phải tập bù nhiều hơn 9 ngày mới mong lấy lại được phong độ lúc chưa nghỉ".

 

Theo phân tích của ông Dương Đức Thủy, việc nghỉ Tết dài ngày sẽ làm cho các VĐV mất đi khoảng 70% sức mạnh, 40% sức bền; 30-40% cường độ. Nếu như sau kỳ nghỉ dài ngày, những VĐV chạy ở cự ly ngắn sẽ khó nhận thấy sự sa sút về phong độ nếu như chạy một vài lần ở những đoạn ngắn. Nhưng nếu tập ở những đoạn chạy dài hơn thì sẽ bị căng cơ, dễ dẫn đến chấn thương. Về độ khéo léo cũng vậy, nghỉ nhiều sẽ làm cho VĐV cứng hơn trong các động tác kỹ thuật.

Tuy các VĐV đều duy trì việc tập nhẹ trong Tết nhưng điều đó là không đủ.  Với các VĐV thi đấu ở các cự ly dài, trong dịp Tết họ vẫn có thể duy trì việc tập luyện đều đặn, như Nguyễn Văn Lai một ngày vẫn chạy mười mấy km vì ở các cự ly này, đòi hỏi về sân bãi, trang thiết bị tập luyện là khá đơn giản. Thế nhưng với các cự ly ngắn hoặc các nội dung đòi hỏi phải có trang thiết bị tập luyện thì việc nghỉ Tết sẽ kéo theo ảnh hưởng lớn.

Chẳng hạn với cự ly chạy vượt rào, theo ông Thủy, những VĐV như Nguyễn Thị Huyền sẽ khó có thể tập luyện trong dịp Tết vì thiếu trang thiết bị. Ngoài ra dịp nghỉ Tết cũng phá vỡ thể lực của VĐV sau nhiều thời gian rèn luyện, tích lũy mới có được.

Nhịp sinh hoạt của các VĐV trong suốt thời gian nghỉ Tết đã bị đảo lộn. Các nữ VĐV sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do ít phải uống rượu, bia, nhậu nhẹt. Trong khi nam VĐV thì khó tránh khỏi chén rượu đầu năm mới. Sau một năm xa nhà đằng đẵng, các VĐV cũng khó tránh khỏi những đêm trắng để kể cho người thân, bạn bè về quãng thời gian tập huấn thi đấu của mình. Và thế là công sức sau nhiều ngày rèn thể lực cũng đổ xuống sông, xuống biển.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, chu trình huấn luyện trên thế giới chia làm các chu trình huấn luyện trong đó chu trình nhỏ là từ 9-13 ngày trong đó chu trình để điều chỉnh trước khi thi đấu là từ 7-9 ngày. Như thế có nghĩa là 9 ngày nghỉ Tết của các VĐV sẽ làm họ mất đi một chu trình huấn luyện trong khi trước đó, do bị ảnh hưởng tâm lý giáp Tết, việc tập luyện cũng rất cầm chừng.

Ông Thủy cũng lo lắng vì các VĐV dự giải Điền kinh Grand Prix, lên đường vào ngày 17.2 tới, tức ngày 10 Tết, sẽ bị ảnh hưởng về phong độ do quãng thời gian nghỉ Tết vừa qua.

"Tuy các VĐV đều duy trì chế độ tập nhẹ nhưng như thế là chưa đủ với một VĐV đỉnh cao. Điều cơ bản là các VĐV, các HLV phải có ý thức chuyên nghiệp, tránh để việc tập luyện bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoài chuyên môn. Ai cũng mong muốn được nghỉ Tết nhưng cần phải có kế hoạch tập luyện khoa học để tránh bị phá vỡ chu trình huấn luyện và công sức rèn luyện trước đó", ông Thủy nói.

Tết sớm của các nữ cầu thủ

Giáp Tết Bính Thân, nỗi buồn nhớ nhà của các nữ cầu thủ trẻ đã được nguôi ngoai phần nào khi Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF tổ chức gói bánh chưng nhằm tạo không khí đầm ấm.

Khánh Vy

Ảnh: Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm