“Họ vào được bên ngoài phòng họp của các nghị sĩ. Họ đập cửa”, Hạ nghị sĩ Albio Sires (đảng Dân chủ, bang New Jersey) nói với trang NJ Advance Media từ văn phòng mình, nơi ông phải sơ tán.
“Rất hỗn loạn”, Hạ nghị sĩ Tom Malinowski (đảng Dân chủ, bang New Jersey) mô tả.
“Tôi cảm thấy buồn cho đất nước chúng ta”
Cả hai nghị sĩ đều nói họ nghe tiếng súng, và được yêu cầu đeo mặt nạ phòng độc khi sơ tán. Hạ nghị sĩ Sires nói hơi cay đã được cảnh sát sử dụng bên ngoài phòng họp của các nghị sĩ.
“Khi chúng tôi rời khỏi phòng họp, có thể nghe thấy tiếng cửa sổ bị vỡ”, Hạ nghị sĩ Donald Norcross (đảng Dân chủ, bang New Jersey) nói. “Đây là giai đoạn không thể tin nổi, do ông Trump gây ra. Thực sự đe dọa tới nền dân chủ”.
“Tôi cảm thấy buồn cho đất nước chúng ta”, Hạ nghị sĩ Andy Kim (đảng Dân chủ, bang New Jersey) cho biết. “Tôi thực sự lo sợ về mức độ chia rẽ và thù ghét ở Mỹ vào lúc này”.
Các nghị sĩ Mỹ phải sơ tán khi người biểu tình xông vào được bên trong Điện Capitol chiều ngày 6/1. Ảnh: AP. |
Trước đó, phiên họp Quốc hội Mỹ nhằm chính thức xác nhận ông Joe Biden đắc cử phải tạm dừng, sau khi người biểu tình vượt qua hàng rào an ninh, xông vào phá hoại trụ sở quốc hội.
Phó tổng thống Mike Pence và các nghị sĩ phải sơ tán. Các video cho thấy người biểu tình giằng co quyết liệt với cảnh sát bên trong Điện Capitol, ngay bên ngoài khu họp của các nghị sĩ - cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có làm rung chuyển Điện Capitol, trái tim của nền dân chủ Mỹ.
“Đất nước của chúng ta quan trọng hơn chính trị”
Đến tối 6/1 (giờ Mỹ), giới chức đã giành lại kiểm soát Điện Capitol, và các nghị sĩ đã quay lại tiếp tục họp để chứng nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden.
Cựu Tổng thống Barack Obama nói các vụ bạo lực ở Điện Capitol là “do tổng thống đương nhiệm kích động”.
Đầu giờ chiều 6/1, trước vụ bạo loạn, Tổng thống Trump có bài phát biểu ở Washington với người ủng hộ, sau đó kêu gọi họ diễu hành tới trụ sở quốc hội. Ngay lập tức, lời kêu gọi “chiếm lấy” Điện Capitol được người ủng hộ ông phát tán rộng rãi trên các trang mạng cực đoan.
“Chúng ta sẽ bước tới Điện Capitol, tôi sẽ đi cùng bạn”, Tổng thống Trump phát biểu, dù sau đó ông chỉ quay lại Nhà Trắng và không đi cùng người biểu tình. “Chúng ta không thể giành lại đất nước bằng sự yếu đuối. Chúng ta phải mạnh mẽ”.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton nói ngày 6/1 đã chứng kiến "vụ tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Điện Capitol, hiến pháp và đất nước chúng ta".
"Vụ tấn công được thúc đẩy bởi hơn bốn năm chính trị độc hại lan truyền thông tin sai lệch có chủ ý, gây mất lòng tin vào hệ thống của chúng ta và khiến người Mỹ chống lại nhau", ông Clinton, Tổng thống Mỹ thứ 42 nói, theo CNN.
"Donald Trump và những người ủng hộ nhiệt tình nhất của ông ấy, bao gồm nhiều người ở quốc hội, đã châm ngòi nổ để lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử mà ông ấy đã thua".
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ra tuyên bố cho biết ông “cảm thấy sốc vì cách hành xử liều lĩnh của một số lãnh đạo nước Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử”, mà theo ông đã gây ra vụ bạo loạn “được châm ngòi bởi những thông tin sai sự thật, hy vọng sai lầm”.
“Đất nước của chúng ta quan trọng hơn chính trị”, ông nói.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney (đảng Cộng hòa, bang Utah) vào tối 6/1 lên án Tổng thống Trump, và nói ông Trump chịu trách nhiệm trực tiếp cho vụ bạo loạn.
“Những gì xảy ra ngày hôm nay là sự nổi loạn, do chính tổng thống Mỹ gây ra”, ông Romney cho biết trong một thông cáo.
Ông Romney lên án ông Trump đã phát tán thông tin sai sự thật cho người ủng hộ, và kích động sự tức giận của họ. Ông nói các nỗ lực chống lại kết quả bầu cử tại quốc hội chỉ là để làm thỏa mãn “sự tự cao đã bị tổn thương của một con người ích kỷ”.
Khoảng 60 vụ kiện gian lận bầu cử không hề có cơ sở của ông bị tòa án các cấp bác bỏ, bao gồm những vụ bị Tòa án Tối cao bác bỏ.
Các quan chức bầu cử ở các bang và liên bang tuyên bố đây là cuộc bầu cử đảm bảo an ninh nhất trong lịch sử Mỹ. Các quan chức an ninh quốc gia dưới quyền ông Trump cũng khẳng định không có gian lận.