Trong đoạn video, xen lẫn những thước phim tư liệu về các vùng biển là những ý kiến ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bỏ tiền để thuê vị trí đẹp ở giữa quảng trường Thời đại ở New York để phát sóng video này 120 lần mỗi ngày, từ ngày 23/7 đến 3/8.
Một trong những người được trích ý kiến là nghị sĩ West, thuộc Công đảng Anh. Tuy nhiên, bà tỏ ra bất ngờ khi biết về điều này.
Theo lý giải của bà West, bà từng trả lời một số hãng tin khi công tác Bắc Kinh hồi tháng 5 để dự Đối thoại cấp cao giữa các chính đảng châu Âu và Trung Quốc. Đoạn phỏng vấn mà Trung Quốc sử dụng trong video tuyên truyền tại Mỹ trích từ một trong những lần trả lời của bà cách đây 2 tháng.
Nữ nghị sĩ Anh Catherine West. Ảnh: Twitter |
Bà West không phủ nhận những câu chữ đã nói ra. Tuy nhiên, bà cho rằng nó bị cắt xén, đưa ra khỏi ngữ cảnh nên không còn nguyên vẹn và rõ ý.
Cụ thể, từ phút thứ 2:25 trong video, bà West nói rằng: "Tôi nghĩ những cuộc đối thoại rất quan trọng. Đó là lý do chúng ta phải hết sức cẩn thận, cần phải giải quyết vấn đề một cách cục bộ trước tiên và có cách tiếp cận chính chắn hướng đến đối thoại".
Đoạn phát biểu này rất phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh lâu nay là mọi tranh chấp cần giải quyết song phương với các quốc gia liên quan trực tiếp. Bắc Kinh bác bỏ mọi nỗ lực nhằm xử lý vấn đề trên cơ sở đa phương hoặc sử dụng cơ chế pháp lý như Tòa trọng tài.
Trong email phản hồi gửi trang Quartz, bà West phân trần: "Tôi vẫn giữ quan điểm là đối thoại rất quan trọng để đảm bảo hòa bình khu vực; đồng thời quá trình trọng tài ở The Hague là một cơ hội để tranh chấp có thể được dàn xếp theo một lối giải quyết chín chắn".
Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Ảnh: QZ
|
Nghị sĩ West cũng không giấu sự bức xúc trong email: "Tôi quan ngại về giọng điệu trong video của Trung Quốc. Tôi cũng không hề biết rằng phát biểu của mình lại bị sử dụng trong trường hợp này... Tôi không vui vì đoạn phim biên tập lời của tôi trở thành ý là tôi ủng hộ cách tiếp cận hiện tại của Trung Quốc".
Nữ nghị sĩ Anh nhấn mạnh: "Những ghi chép về phát biểu của tôi tại quốc hội sẽ cho thấy tôi luôn nêu lên quan ngại trước hành vi bồi lấp đảo nhân tạo cũng như các triển khai quân sự gây lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông".
Đoạn video tuyên truyền chủ quyền phi lý được phát không lâu sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tòa Trọng tài đã bác yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc bao trùm đến 80% diện tích Biển Đông.