Không đủ tuổi tái cử thì xin nghỉ
Đến thời điểm này, đã có nhiều lãnh đạo quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm, như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tô Văn Cường; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt; Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ. Ngoài ra còn nhiều Phó chủ tịch HĐND các quận, huyện Phúc Thọ, Đông Anh, Hai Bà Trưng… cũng xin được nghỉ hưu trước thời hạn.
Trao đổi với phóng viên về lý do xin nghỉ sớm, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Tô Văn Cường cho đây là “chuyện bình thường, không có gì to tát cả”. Theo Nghị định 26 của Chính phủ (quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện tuổi tái cử), người giữ chức vụ không đủ tuổi tái cử thì nên nghỉ.
“Đến thời điểm này tôi đã 59 tuổi, chỉ còn một năm công tác sẽ nghỉ hưu theo luật lao động. Việc tôi xin nghỉ cũng thoải mái thôi, không có gì cả”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn (Hà Nội). |
Cùng chia sẻ về lý do xin nghỉ, Phó bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ viện dẫn quy định từ Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, và khẳng định, cá nhân không đủ tuổi tái cử thì xin nghỉ chứ không có vấn đề gì khác.
Đến tháng 9/2016, ông Vỹ tròn 60 tuổi, thời gian ông xin nghỉ trước là 13 tháng. Nếu không muốn nghỉ trước thì thành phố sẽ sắp xếp cho ông công việc khác và sẽ làm cán bộ thường.
“41 năm công tác rồi, nghỉ ngơi thêm một năm càng thêm khỏe, chỉ còn một ít thời gian công tác nữa làm gì đâu. Cá nhân tôi rất thoải mái khi xin nghỉ”, ông Vỹ nói.
Cũng theo ông Vỹ, việc xin nghỉ trước một, hai năm như vậy cũng tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có điều kiện phát triển hơn.
Không muốn đang là lãnh đạo xuống chuyên viên
Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, việc một số lãnh đạo quận, huyện xin nghỉ hưu sớm là chuyện bình thường do không đủ tuổi tái cử. Theo quy định, những người lần đầu tham gia cấp ủy khóa đầu tiên, ít nhất phải đủ 5 năm công tác.
Còn đối với những người tái cử phải đủ 30 tháng trở lên. Ví như ở Hà Nội, tháng 11/2015 đại hội Đảng thành phố, những người sinh tháng 12/1958 (đủ 30 tháng) vẫn có thể tham gia được khóa nữa, còn những người sinh trước đó, không đủ 30 tháng công tác theo tuổi lao động thì phải nghỉ cấp ủy khóa tới.
Ông Tô Văn Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín (Hà Nội). |
“Theo luật lao động họ vẫn được làm việc, nếu có nguyện vọng thành phố sẽ có trách nhiệm bố trí việc khác”, ông Phan Đăng Long lý giải. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đang tham gia cấp ủy, nếu mong muốn tiếp tục làm việc đến hết tuổi nghỉ hưu, thông thường họ sẽ làm ở vị trí không tương đương với vị trí đã làm trước đó.
Ví như với Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, nếu muốn tiếp tục công tác, thành phố sẽ sắp xếp về một cơ quan nào đó trên thành phố, như làm cấp phó ở một cơ quan. Cũng không loại trừ trường hợp không thể bố trí được, do các đơn vị đã có nhiều phó thì có thể phải làm chuyên viên.
“Người ta không muốn làm chuyện đó nên mới xin nghỉ luôn, mặc dù có thể còn hai năm công tác. Những trường hợp vừa qua xin nghỉ đều với lý do như thế”, ông Long nêu.
Tuy nhiên, ông Long cũng phân tích, các trường hợp cấp phó sẽ dễ bố trí vị trí tương đương hơn cấp trưởng. Chẳng hạn một Phó bí thư Quận ủy, không đủ tuổi tham gia cấp ủy nữa, nhưng đến năm 2017 mới đến tuổi nghỉ hưu, có mong muốn tiếp tục công tác, nhiều khả năng vị Phó bí thư ấy sẽ xin về làm cấp phó một ban Đảng.