Nghi án lừa đảo vụ '1 USD mua doanh nghiệp nợ triệu USD'
Lợi dụng việc được tiếp cận các thông tin tài chính thông qua hợp đồng tư vấn M&A, Công ty Trường Sa đã dồn đối tác vào cảnh phải chuyển nhượng lại doanh nghiệp với giá rẻ.
Năm 2011, Nguyễn Hà Quảng thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Trường Sa (Công ty Trường Sa), tiếp cận với những công ty gia đình có lợi thế về đất đai, nhà xưởng, tài sản hiện hữu nhưng đang nợ lớn, nhằm ký kết hợp đồng tư vấn tài chính tái cấu trúc doanh nghiệp (M&A).
Được Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thép Sao Biển Lê Mạnh Hoàn giới thiệu với một vài cổ đông lớn của Công ty Kinh doanh kim khí Hải Phòng (Công ty Hải Phòng), Nguyễn Hà Quảng đã thuyết phục được đối tác ký kết “hợp đồng tư vấn và hợp tác”. Ngày 15/7/2011, Công ty Hải Phòng do Tổng giám đốc Phạm Văn Thưởng đại diện và Công ty Trường Sa do Tổng giám đốc Ngô Quốc Hùng đại diện thống nhất ký hợp đồng tư vấn và hợp tác với tổng giá trị 350.000USD, thời gian thực hiện 18 tháng.
Trụ sở Công ty Thái Sơn tại An Dương, Hải Phòng. |
Theo đó, Công ty Hải Phòng thuê Công ty Trường Sa “đề xuất giải pháp tái cấu trúc và phát triển theo tiêu chí tối đa hóa giá trị gia tăng và tính thanh khoản cho các tài sản; tư vấn quản lý tài chính doanh nghiệp, sắp xếp lại tài sản, cơ cấu vốn; đánh giá thực trạng doanh nghiệp và giải pháp vượt qua khủng hoảng...”.
Được Công ty Hải Phòng cho phép tiếp cận các thông tin tài chính, phía Trường Sa đã tìm ra điểm bất hợp lý trong quá trình thu, chi, quyết toán, báo cáo thuế, vay vốn và đảo nợ... nhằm bóc, tách mọi điểm yếu của bên A để tập hợp thành “hồ sơ chết”.
Chỉ 3 tuần sau khi ký hợp đồng tư vấn và hợp tác, Trường Sa gửi văn bản nhận định tình hình hết sức khó khăn, doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản, giá trị cổ phiếu xuống thấp cho Công ty Hải Phòng. Để cứu vãn tình hình, Công ty Trường Sa yêu cầu ban lãnh đạo Công ty Hải Phòng phải nhượng lại ít nhất 51% vốn điều lệ cho các sáng lập viên của Trường Sa để họ có đủ tư cách đại diện trước pháp luật, đứng ra thu xếp nợ.
Ngày 1/3/2012, đại diện Công ty Hải Phòng gồm 9 cổ đông lớn đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác phía Trường Sa toàn bộ gần 2,3 triệu cổ phần (chiếm 97,5% vốn điều lệ công ty) với tổng giá trị tính thành tiền gần 16,4 tỷ đồng.
Vẫn bằng cách ấy, nhóm tư vấn của Nguyễn Hà Quảng đã nhanh chóng thôn tính được Nhà máy ximăng Thanh Liêm và Công ty Thái Sơn. Ngày 4/4/2012, ông Phạm Văn Thụ đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho Nguyễn Hà Quảng toàn bộ vốn góp tại Công ty Thái Sơn là 512,1 tỷ đồng, kèm theo cam kết “tạo điều kiện thuận lợi để bên B hoàn thành thủ tục nhận chuyển nhượng và tham gia hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật”.
Theo phản ánh của tập thể người lao động tại Công ty Hải Phòng, hơn 1 năm qua, phía Trường Sa bỏ mặc doanh nghiệp chết dần, chết mòn; riêng số tiền thiệt hại phát sinh mà doanh nghiệp phải chịu lãi ngân hàng lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Theo Lao Động