Vụ ám sát người đàn ông được cho là Kim Jong Nam tạo nên những căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Malaysia và Triều Tiên dù hai nước từng có quan hệ tốt đẹp. Ảnh: Free-Malaysia. |
Tiến sĩ Oh Ei Sun từng là cố vấn chính trị của đương kim Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Trao đổi với Zing.vn, ông cho biết chính quyền Kuala Lumpur bất ngờ và giận dữ khi một quốc gia được xem là bạn bè như Triều Tiên lại gây ra vụ việc ngay ở Malaysia. Ông nói ưu tiên hiện tại của Kuala Lumpur là giải cứu công dân đang bị Triều Tiên cấm xuất cảnh và sẽ theo đuổi điều tra vụ việc dựa trên biện pháp ngoại giao hòa bình.
Sự thô lỗ phi ngoại giao của đại sứ Triều Tiên
- Đại sứ Triều Tiên vừa bị Malaysia trục xuất đã có nhiều phát ngôn bị Kuala Lumpur lên án là ngạo ngược, xúc phạm. Vì sao ông này lại có hành vi bất cần như vậy với một trong những nước quan hệ thân thiết hiếm hoi như Malaysia?
- Tôi nghĩ đây là điều không quá bất ngờ vì đây là cách mà các quan chức Triều Tiên thường phản ứng trong những vấn đề quốc tế. Cách thể hiện của họ thường rất khác biệt và không được phần còn lại của thế giới đồng tình. Họ có những phát ngôn rất lớn lối, mạnh mẽ. Họ nói những gì họ nghĩ mà không màng đến những lý lẽ thông thường. Những gì mà Đại sứ Kang Chol nói và làm cũng tương tự như cách các quan chức Triều Tiên khác thường thể hiện.
Tiến sĩ Oh EI Sun. Ông cũng là chuyên gia bình luận về chính trị Malaysia cho nhiều tờ báo, hãng tin lớn như New York Times, Straits Times, Reuters, BBC... Ảnh: Xinhua. |
Trong nghi án Kim Jong Nam, Đại sứ Kang Chol cần tìm cách thể hiện và khẳng định sự trung thành của ông ấy. Bởi vì ông ta sẽ không biết điều gì có thể xảy đến với mình sau khi hết nhiệm kỳ và trở về nước.
Bài học nhãn tiền đối với Kang Chol chính là án tử hình đối với người tiền nhiệm, cựu đại sứ Triều Tiên tại Malaysia, sau khi ông này bị triệu hồi về nước. Vị này chính là họ hàng của ông Jang Song Thaek, người chú dượng một thời rất quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Do vậy, Đại sứ Kang Chol phải tìm cách để khẳng định ông ta là người yêu nước và luôn trung thành với chế độ.
- Vai trò của đại sứ Triều Tiên tại Malaysia có ảnh hưởng như thế nào?
- Như bạn đã biết, Malaysia là một trong số rất ít cửa ngõ để Triều Tiên có thể tiến hành những vụ thương mại quốc tế, cho nên đại sứ Triều Tiên tại đất nước chúng tôi phải là một người có năng lực và rất được tín nhiệm.
Ngoài ra, điều mà chúng ta ai cũng biết là đại sứ quán Triều Tiên còn có nhiệm vụ tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước họ; như việc họ mở và điều hành một nhà hàng tại Kuala Lumpur.
- Malaysia sẽ tiếp tục xử lý vụ việc như thế nào sau khi đã trục xuất đại sứ Triều Tiên?
- Điều đầu tiên cần khẳng định là việc trục xuất đại sứ Triều Tiên là động thái nghiêm trọng về mặt ngoại giao; nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với nước này. Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả các biện pháp bao gồm đàm phán trực tiếp là điều Malaysia sẵn sàng làm.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia ở sân bay Kuala Lumpur sau khi bị trục xuất. Ảnh: Reuters. |
Nhưng Triều Tiên vốn là nước không dễ dàng chịu đối thoại nên đàm phán trực tiếp chưa chắc là biện pháp khả thi. Khi đó chúng tôi sẽ nhờ đến những người trung gian, như chính phủ Thụy Sĩ vì nước này nổi tiếng là luôn duy trì vị thế trung lập. Malaysia có thể đề nghị Thụy Sĩ đứng ra làm trung gian giàn xếp với Triều Tiên. Một đơn vị khác cũng có thể giúp sức là Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) vì cơ quan này vừa có trụ sở ở Thụy Sĩ và luôn duy trì quan điểm trung lập.
Tóm lại, chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng tất cả những biện pháp hòa bình để giải quyết vụ việc này, bởi vì Malaysia vốn không phải nước quá khích hay quyết liệt, trước khi buộc phải chấm dứt quan hệ ngoại giao.
Sự phản ứng quyết liệt của chính phủ Malaysia
- Nếu như phản ứng từ Triều Tiên trong vụ việc phần lớn là từ đại sứ của họ, thì chính phủ Malaysia thể hiện sự quyết liệt hơn, kể cả Thủ tướng Najib Razak cũng nhiều lần lên tiếng. Vì sao Malaysia phản ứng rất mạnh như vậy?
- Tôi cho rằng có 2 lý do chính để chính phủ Malaysia phản ứng rất mạnh trong vụ án này.
Điều đầu tiên là vì chúng tôi đã luôn xem Triều Tiên là một người bạn. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, khi cả thế giới quay lưng với Triều Tiên thì Malaysia đã thiết lập quan hệ chính thức với nước này. Chúng tôi cho phép Triều Tiên tiến hành các vụ giao dịch của họ ở Malaysia. Malaysia đã rất hỗ trợ Triều Tiên và các công dân nước này. Chúng tôi chưa từng nghĩ họ là kẻ thù.
Rồi bất thình lình, vụ ám sát ngay ở đất nước chúng tôi. Tôi nghĩ nếu điều này xảy ra ở một nước khác thì chính quyền đó cũng sẽ phản ứng giận dữ như vậy.
Kế đến, ngay sau vụ ám sát, đại sứ của họ liên tục đưa ra những tuyên bố đầy xúc phạm với đất nước chúng tôi, cáo buộc Malaysia thông đồng với Hàn Quốc để dựng lên vụ việc này. Họ cũng không hợp tác với nhà điều tra Malaysia. Đó là lý lớn khiến chúng tôi giận dữ vì một người bạn sẽ không bao giờ hành động như vậy.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 8/3 đã có tuyên bố được hiểu là lời cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ sát hại người được cho là Kim Jong Nam. Ảnh: AFP. |
Điều thứ hai, nếu chúng tôi không phản ứng mạnh mẽ, không quyết tâm điều tra vụ việc này tới nơi tới chốn, thì nó đặt ra nguy cơ là những vụ ám sát tương tự có thể xảy ra trong tương lai ở Malaysia. Nhiều quốc gia khác nếu có những việc không thể giải quyết ngay ở đất nước họ thì họ nghĩ có thể xử lý nó ở Malaysia. Do vậy, chính quyền Kuala Lumpur muốn ngăn chặn nguy cơ này.
Bạn cần lưu ý rằng đến nay các hành động của chúng tôi chỉ là để phản ứng. Chính phủ Malaysia chưa có hành động chủ động nào trong vụ này. Những việc như trục xuất đại sứ nhằm đáp trả các tuyên bố xúc phạm của ông này. Nếu sự việc xảy ra ở một nước khác thì tôi tin rằng quốc gia đó cũng hành xử tương tự.
Giải cứu "con tin" bị giữ chân ở Triều Tiên ra sao
- Thủ tướng Najib lên án việc Triều Tiên cấm người dân Malaysia xuất cảnh là "giam giữ con tin". Kuala Lumpur có thể xử lý thế nào để giải cứu công dân?
- Đây chính là mối quan ngại lớn đối với đất nước chúng tôi hiện tại. Nhìn lại các sự kiện tương tự mà Triều Tiên từng thực hiện trong quá khứ, nước này từng bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm từ 1960 - 1980. Nhiều người đã bị Triều Tiên giữ chân lại trong rất nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm.
Do vậy, nguyên nhân mà Kuala Lumpur phải ban hành lệnh cấm xuất cảnh tương tự với công dân Triều Tiên đang ở đất nước chúng tôi là để khẳng định ít nhất Malaysia có một yếu tố vững chắc để đàm phán với Triều Tiên. Như bạn cũng biết Triều Tiên không phải một nước dễ dàng chấp nhận đàm phán, nên chúng ta phải có một cơ sở đủ mạnh để yêu cầu đối thoại và mặc cả.
Biện pháp cấm xuất cảnh tôi nghĩ chỉ là tạm thời. Chừng nào họ không còn cấm công dân chúng tôi về nước thì chúng tôi cũng sẽ để người Triều Tiên trở về quê hương.
Ưu tiên hiện tại của chúng tôi là giải cứu công dân thông qua đàm phán trực tiếp hoặc hòa giải. Nếu buộc phải sử dụng biện pháp mạnh hơn, tôi nghĩ chính phủ có thể đề xuất đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Khi đó chúng tôi đã tập trung được quan điểm chính thức của cộng đồng quốc tế để lên án vấn đề này.
Nhưng điều chắc chắn mà Malaysia không bao giờ làm là tỏ ra nhượng bộ để làm vừa lòng phía Triều Tiên. Chúng tôi sẽ không nhanh chóng khép lại vụ việc, chấp thuận những tuyên bố từ Triều Tiên như ông Kim Chol qua đời vì đau tim, vụ việc không phải là ám sát, tất cả mọi người đều được thả... Kuala Lumpur chắc chắn sẽ quyết tâm điều tra tới cùng.
Dư luận quốc tế thông cảm với hai nữ nghi phạm bị lừa vào âm mưu ám sát này. Ảnh: Reuters. |
Yếu tố nước ngoài trong vụ ám sát
-Vì sao vụ ám sát lại xảy ra ở Malaysia mà không phải nơi nào khác?
- Tôi không thể suy đoán về việc vì sao họ lại chọn Malaysia, điều đó cần phải điều tra từ những người chủ mưu. Điều có thể chắc chắn là nhóm người này đã theo dõi ông Kim Jong Nam từ rất lâu. Họ đã chọn địa điểm và thời điểm rất kỹ lưỡng để có thể ra tay.
- Vì sao nhóm gây án lại sử dụng 2 phụ nữ không chuyên để trực tiếp ra tay?
- Nếu xem xét lại những âm mưu tương tự liên quan đến Triều Tiên trước đây, như vụ mưu sát Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo Hwan tại Yangon, Myanmar, năm 1983, đều do các điệp viên Triều Tiên thực hiện tất cả mọi việc từ lên kế hoạch cho đến đặt bom.
Do vậy, nghi án lần này đánh dấu sự thay đổi khi họ chọn những người nước ngoài tham gia cùng. Tôi nghĩ nguyên nhân là vì những kẻ chủ mưu muốn tránh để vụ việc ảnh hưởng đến Triều Tiên tốt nhất có thể. Bởi vì nạn nhân được cho là Kim Jong Nam, người có quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên.
Cho nên tôi đoán rằng trong suy nghĩ của những kẻ chủ mưu thì việc để người nước ngoài trực tiếp gây án sẽ giúp Triều Tiên tránh bị liên lụy đáng kể vì vụ việc này.
Dĩ nhiên, cộng đồng quốc tế không phải dễ dàng bị đánh lừa. Dư luận không lên án các cô gái Indonesia hay Việt Nam. Trên thực tế, nhiều ý kiến bày tỏ sự thông cảm khi hai cô gái trẻ đã bị dụ dỗ vào âm mưu này.
Người đàn ông Triều Tiên, mang hộ chiếu có tên Kim Chol và bị nghi là ông Kim Jong Nam, chết tại sân bay ở Kuala Lumpur ngày 13/2. Cảnh sát Malaysia sau đó bắt giữ 3 nghi phạm, gồm một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Đoàn Thị Hương. Hiện phía Malaysia đang truy tìm 7 người Triều Tiên khác có liên quan tới vụ việc. Hôm 25/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã gặp nữ nghi phạm và xác nhận cô là Đoàn Thị Hương.