Thung lũng Mogok, phía bắc Mandalay, nổi tiếng với tên gọi “vùng đất ruby”. Kho báu có giá trị này từng là mục tiêu tranh giành của nhiều vị vua và lãnh chúa qua hàng thế kỷ.
Hồng ngọc “huyết bồ câu” được coi là những viên đá quý đắt nhất trên thế giới. Năm 2015, một viên đá loại này, mang tên “Mặt trời mọc" đã được bán với giá kỷ lục hơn 30,3 triệu USD, tức là hơn 1 triệu USD/carat.
Myanmar là nơi sản xuất hơn 80% lượng hồng ngọc trên thế giới. Ngành công nghiệp này không được công khai dưới thời chính quyền quân sự.
Hưởng ít lợi nhuận
Trong tháng 10/2016, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hồng ngọc đối với Myanmar sau 13 năm. Các chuyên gia lo ngại rằng lợi nhuận sẽ chảy vào túi của những người phục vụ trong quân đội và bạn bè của họ, những người kiểm soát phần lớn ngành đá quý sau dỡ bỏ lệnh cấm.
Aye Min Htun là một trong hàng trăm người sống trong các hầm mỏ của Myanmar để tìm kiếm ruby. Anh kiếm được dưới 200 USD mỗi tháng trong khu hầm nhỏ, lộ thiên dưới đáy thung lũng.
Các công nhân khai thác Ruby ở thung lũng Mogok. Ảnh: AFP. |
“Nếu khai thác thành công, tôi muốn lập một doanh nghiệp”, chàng trai 19 tuổi nói với AFP. “Tôi tin vào thần linh... Tôi cầu mong họ sẽ ban cho tôi một viên đá lớn, có giá trị cao”.
Gần đó, khoảng 10 người đàn ông đang xới đất cạnh miệng núi lửa. Lở đất là mối nguy hiểm thường thấy ở khu khai thác đá quý. “Tôi luôn luôn nhắc các công nhân cẩn thận... Họ vẫn còn trẻ”, quản lý khu khai thác này cho biết. Tiếng nổ mìn ở khu vực này cứ vài phút lại xuất hiện.
Việc khai thác đá quý ở Mogok phát triển nhanh từ giữa những năm 1990, khi chính phủ cho phép các công ty tư nhân mang theo máy móc hạng nặng và nhiều phương tiện khai thác sâu đến khu vực này. Ngày nay, rất nhiều mỏ khai thác xuất hiện tại thung lũng Mogok nhưng người dân địa phương vẫn không được hưởng nhiều lợi nhuận từ chúng.
Ngành công nghiệp khai thác đá quý được điều hành bởi Doanh nghiệp Đá quý Myanmar (MGE), thuộc sở hữu nhà nước, được đưa ra khỏi danh sách áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 5/2016. MGE nắm giữ khoản đầu tư cho các mỏ khai thác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng sức mạnh thực sự thuộc về Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC).
Bên cạnh đó, nhiều người Thái Lan và Trung Quốc được cho là đang điều hành các công ty tư nhân trong lĩnh vực này dù Myanmar có luật cấm người nước ngoài điều hành mỏ khai thác trong nước.
Giá ruby dự kiến sẽ tăng sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đá quý từ Myanmar. Ảnh: AFP. |
Những viên đá có giá trị nhất được nhập lậu qua biên giới phía đông Myanmar đến Bangkok, Thái Lan hoặc Hong Kong, Trung Quốc, nơi chúng được đánh bóng và làm thành đồ trang sức.
“Những viên đá màu đỏ và xanh hầu hết đều được đưa đến chợ đen ở Thái Lan”, Tun Hla Aung, một thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp đá quý và đồ trang sức Myanmar cho hay.
Cơ hội đến khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm
Các doanh nhân kinh doanh đá quý ở trung tâm du lịch của Mandalay hy vọng sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhiều du khách người Mỹ sẽ tìm mua sản phẩm của họ
“Giá của hồng ngọc sẽ tăng lên trong 3 hoặc 6 tháng tới, chúng sẽ tăng 50% hoặc ít nhất là 1/3 (so với giá cũ)”, Khine Khine Oo, một người bán đá quý, dự đoán. Bà cũng cho biết các nhà buôn đang tích trữ những viên đá tốt nhất.
Về phần mình, các công ty Mỹ cũng bắt đầu thăm dò thị trường đá quý Myanmar. Chỉ vài tuần sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Hiệp hội Thương mại Đá quý Mỹ đã cử một phái đoàn đến Mogok và tiến hành đối thoại với đại điện Myanmar.
Trong khi đó, nhằm kiểm soát hoạt động khai thác ngọc bích và đá quý quá mức, chính phủ Myanmar đã thắt chặt việc cấp giấy phép khai thác. Các công ty phải đáp ứng các quy định về môi trường mới có thể nhận được loại giấy phép này.