Ngày 5/7 vừa qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã rao bán mẫu quần đùi mang thương hiệu Tesla trên Twitter với giá "chỉ 69,420 USD"/cặp. Sau vài giờ mở bán, sản phẩm này đã "cháy hàng" vì lượng người mua quá đông. Thậm chí, Elon Musk đã phải thông báo đóng các cửa hàng trực tuyến của Tesla vì quá tải và không xử lý kịp đơn hàng.
Điều gì khiến một chiếc quần đùi đơn giản, in logo đặc trưng của Tesla ở phía trước và dòng chữ S3XY ở phía sau khiến dân tình thi nhau mua như vậy? Câu trả lời nằm ở "nghệ thuật bán hàng" đỉnh cao của Elon Musk.
Giá trị của thương hiệu xa xỉ còn được quyết định bởi những câu chuyện hay. Ảnh: MSN. |
Giá trị của thương hiệu xa xỉ không chỉ được quyết định bởi chất lượng sản phẩm hay giá của chúng mà còn bởi cách kể những câu chuyện xung quanh thương hiệu.
Và một trong những "thiên tài" kể chuyện còn sống đến nay không ai khác chính là Musk. Tesla trở thành công ty xe hơi giá trị nhất thế giới không chỉ nhờ sự dẫn đầu trong sản xuất xe điện mà còn bởi các câu chuyện thương hiệu hay ho bậc nhất mà không phải thương hiệu nào cũng có.
Tham vọng của Tesla là tăng tốc vận chuyển bền vững, điều khiến công ty trở thành thương hiệu xe hơi lớn duy nhất tập trung vào mục đích này. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác chỉ để cập đến tính bền vững như một trong số các mục tiêu của mình. Chừng nào vẫn đầu tư vào động cơ nhiên liệu hóa thạch, họ sẽ khó lòng cạnh tranh với Tesla.
Thông điệp của Tesla đơn giản nhưng mạnh mẽ hơn nhiều so với các thương hiệu truyền thống khi họ nói rằng "chúng tôi tin vào sự bền vững và có mục tiêu bán 80% xe hơi phiên bản chạy điện vào năm 2030".
Câu chuyện càng đơn giản và vào thẳng vấn đề, nó càng tạo ra nhiều giá trị. Thời điểm này, Tesla có giá trị hơn cả Volkswagen, Mercedes và BMW cộng lại. Đây có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh cho họ về việc cải thiện cách kể chuyện thương hiệu.
Musk truyền cảm hứng cho các thương hiệu về cách tạo ra giá trị sản phẩm thông qua kể chuyện. Ảnh: The South African. |
Còn về sản phẩm quần đùi Tesla, nó đã minh họa khả năng kể chuyện đậm tính giải trí của Musk. Vị tỷ phú viết trên Twitter: "Kỷ niệm mùa hè với quần đùi Tesla có thiết kế viền satin vàng và đỏ". Sau đó, ông viết tiếp: "Sẽ gửi vài chiếc đến "Ủy ban làm giàu quần short" (Shortseller Enrichment Commission) để an ủi họ qua thời điểm khó khăn này". Đây là tên mà Musk đặt cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), đơn vị từng khiến ông vướng phải không ít lùm xùm.
Mức giá 69,420 USD có vẻ như là con số ám chỉ giá 420 USD/cổ phiếu mà Musk đã cân nhắc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân năm 2018. SEC sau đó đã khởi kiện, khiến Musk và Tesla thiệt hại nặng nề.
Kết quả là ngay sau khi ra mắt, quần đùi Tesla đã hết hàng trong vài phút, còn trang web bán hàng thì bị sập do lưu lượng truy cập quá lớn. Giả sử chi phí sản xuất không đáng kể, việc tạo ra giá trị thông qua một câu chuyện đơn giản của Musk là rất ấn tượng.
Ở một khía cạnh nhất định, "xa xỉ" là khả năng tạo ra giá trị cực cao và điều đó sẽ được tối đa hóa thông qua cách kể chuyện thương hiệu. Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ đến việc bỏ một số tiền đáng kể ra để mua một cặp quần đùi với giá đó và lại còn do một công ty ôtô điện sản xuất nếu chúng không do "thiên tài" kể chuyện Elon Musk quảng cáo. Với tất cả sự dí dỏm và một chút "cà khịa", Musk một lần nữa đã dạy cho các thương hiệu một bài học về cách tạo ra giá trị sản phẩm thông qua kể chuyện.