Nghề tay trái hái ra tiền của 'sao' V-League
Đời cầu thủ khá ngắn nên dù đang rủng rỉnh tiền bạc, các cầu thủ vẫn phải tìm cách kiếm thêm. Mở nhà hàng, shop thể thao, sân cỏ nhân tạo hay đóng quảng cáo… là những nghề tay trái đang giúp cầu thủ Việt có thêm thu nhập.
>> Thú chơi xế hộp và giấc mộng đại gia của Hồng Sơn
>> Thú chơi hi-tech của cầu thủ Việt
>> Nỗi khổ ‘đem chuông đi đánh xứ người’ của tuyển thủ Việt
>> Đội hình xế 'khủng' của sao V-League
>> Những hình xăm đặc biệt của cầu thủ Việt
“Chớm” vào nghề quảng cáo
Tham gia đóng quảng cáo là nghề hốt bạc với các cầu thủ nổi tiếng. Hàng năm, những Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney… nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục triệu Bảng bằng nghề tay trái này. Tuy nhiên, ở Việt Nam các cầu thủ chưa thực sự khai thác được nhiều từ mảnh đất màu mỡ mang tên quảng cáo.
Công Vinh hiện là cầu thủ khéo biết giữ hình ảnh để câu quảng cáo nhất |
Nói thế không có nghĩa là cầu thủ Việt không kiếm được tiền từ các hợp đồng quảng cáo. Công Vinh từng có khoản thu nhập đáng kể khi quảng cáo cho hãng dược phẩm Đông Á hay một doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại TP.HCM. HLV Calisto sau khi giúp Việt Nam đăng quang AFF Cup 2008 cũng đã hốt bạc khi được hãng bia Zorock của Mỹ mời làm đại sứ hình ảnh. Phan Thanh Bình hay Philani cũng kiếm được chút ít khi dự sự kiện giới thiệu về World Cup, trong khi Tài Em và Quang Hải có thêm thu nhập nhờ tham dự một buổi giới thiệu về việc cúp FA đến Việt Nam.
Công Vinh và Thủy Tiên biết cách tạo hình ảnh để thu hút sự chú ý |
Người hút được quảng cáo nhất trong giới cầu thủ Việt là Văn Quyến. Anh từng được nhiều hãng danh tiếng như LG hay Pepsi mời làm đại diện hình ảnh. Đáng tiếc, đúng lúc “hút hàng” nhất anh lại dính vào vụ án bán độ tại SEA Games.
Đua nhau mở sân cỏ nhân tạo
Mở sân cỏ nhân tạo là ngành kinh doanh được nhiều cầu thủ Việt làm nhất bởi dù sao “món” này cũng dính dáng tới bóng bánh, họ ít nhiều cũng có ít chuyên môn.
Sau khi ký hợp đồng 5 tỷ để ở lại thi đấu cho đội bóng quê nhà, Tấn Trường rủng rỉnh tiền bạc, quyết định mở rộng công việc kinh doanh bằng cách mở sân bóng đá cỏ nhân tạo tọa lạc tại đường Trần Văn Dư, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM. Tổng chi phí xây dựng cả 6 sân bóng mini vào khoảng 3 tỷ đồng. Hiện tại, sân bóng của thủ thành đang khoác áo TĐCS Đồng Tháp là điểm đến lý tưởng của dân phủi đã trót dính tình yêu với trái bóng tròn.
Tấn Trường rất năng động trong kinh doanh |
Mở nhà hàng và shop thể thao
Kinh doanh ăn uống là nghề kiếm được nên không ít cầu thủ đã đổ tiền vào lĩnh vực này. Dương Hồng Sơn và Công Vinh từng góp vốn mở một nhà hàng hoành tráng trên diện tích gần 3000m2 tại Vĩnh Yên. Đáng tiếc sau khi mở ít lâu, không hiểu vì sao bộ đôi tuyển thủ Việt Nam đã nhượng lại nhà hàng cho chủ mới.
Thành Lương, một gương mặt quen thuộc của bóng đá Việt Nam, cũng rất có máu kinh doanh. Đầu năm 2010, cầu thủ của Hà Nội ACB đã móc túi đầu tư không ít tiền để mở quán cafe Diva trên đường Huỳnh Thúc Kháng.
Thành Lương trong ngày khai trương quán cafe Diva |
Ngoài khoản nhà hàng ăn uống, nhiều cầu thủ Việt còn mở shop thể thao. Tiêu biểu, tiền đạo Anh Đức có một shop khá ăn khách ở sân Bình Dương, còn Huỳnh Hồng Sơn cũng có một tiệm “ngon lành” ở sân Tao Đàn.
Và nhiều nghề khác...
Cầu thủ lấy kinh doanh là nghề tay trái rất nhiều. Việt Thắng, Việt Cường, Thanh Hưng, Minh Châu, Tài Em… từng thử sức với nghề buôn bán bất động sản. Tấn Trường ngoài kinh doanh sân cỏ nhân tạo còn mở tiệm internet.
Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Văn Quyến hái ra tiền nhờ các hợp đồng quảng cáo béo bở với LG và Pepsi |
Đặc biệt nhất là Tấn Tài. Ngôi sao của ĐT Việt Nam đã chi ra 700 triệu đồng mua một chiếc xe 45 chỗ để chở các em học sinh quê anh đến trường. Mới đây Tấn Tài còn tiết lộ anh đang tính mua thêm một chiếc xe nữa để các em học sinh nghèo đỡ phải đạp xe hàng chục cây số. Việc kinh doanh này không mang lại cho Tấn Tài nhiều tiền bạc, nhưng nó giúp anh “trả một phần nợ ân tình với quê hương”.
Lâm Anh
Theo Bưu Điện Việt Nam