Jing Hanqing là một người nổi tiếng với hơn 4 triệu lượt theo dõi trên nền tảng video Bilibili của Trung Quốc. Vào một buổi sáng sau khi thức dậy, Jing phát hiện cái tên mà anh đã sử dụng trong suốt 22 năm qua đang bị một ai đó sở hữu.
Cụ thể, một công ty đã đăng ký bản quyền tên của vlogger này và nói với Jing rằng anh đang xâm phạm sự độc quyền của họ bằng cách sử dụng như một thương hiệu.
Jing tỏ ra khó chịu sau khi được cho biết bản quyền đối với tên của mình đã được đăng ký bởi một công ty. Ảnh: Abacus. |
“Họ nói tôi không thể sử dụng cái tên đã theo tôi 22 năm qua và phải thay đổi nó”, Jing chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Weibo đồng thời bày tỏ sự hoang mang của mình “Làm sao để tôi có thể bảo vệ lẽ phải của mình?”.
Theo như Jing giải thích trong đoạn video, mọi chuyện bắt đầu vào ngày 30/7, khi vlogger này nhận được một email từ công ty Zhiqiao Electronic Products cho rằng các kênh của Jing đã vi phạm luật pháp.
Vài ngày sau đó, Jing tiếp tục nhận được thêm email từ một công ty khác khuyên rằng anh nên thuê một luật sư giỏi vì bản quyền cho cái tên của vlogger này “đã bị chuyển nhượng một vài lần”.
Trên trang web của văn phòng đăng ký bản quyền Trung Quốc, cái tên Jing Hanqing đã được 7 công ty khác nhau nộp hồ sơ sở hữu.
Những trường hợp kỳ quái
Những năm gần đây, việc bảo vệ tài sản trí tuệ đã phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng truyền cảm hứng cho một số người nảy ra ý tưởng kiếm tiền bằng tên của người khác bằng việc đăng ký bản quyền.
Ngay sau Olympic 2012, chủ nhân tấm huy chương vàng môn cầu lông của Trung Quốc, Lin Dan nhận ra tên của mình đang được sử dụng để bán thức ăn cho lợn. Trong khi đó, cái tên của nhà vô địch bơi lội Ye Shiwen đã trở thành một thương hiệu đồ lót.
Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba thậm chí còn đạt kỷ lục khi tên của tỷ phú này đã được các công ty khác nhau cố gắng đăng ký hơn 20 lần.
Theo cuộc điều tra từ Xinhua, những streamer, vlogger và một số influencer (người có sức ảnh hưởng) khác là các đối tượng tiềm năng cho một số kẻ kiếm tiền bằng việc lợi dụng bản quyền thương hiệu trong ngành công nghiệp video trực tuyến trị giá hàng tỷ đô la ở Trung Quốc.
Vlogging và Streaming là ngành công nghiệp hàng tỷ USD ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Các influencer khi mới xây dựng thương hiệu của mình thường ít được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cá nhân. Trong bối cảnh ngành công nghiệp video đang cho thấy khả năng sinh lợi ở Trung Quốc, các influencer chính là "con mồi" hấp dẫn cho những kẻ lợi dụng việc đăng ký bản quyền thương hiệu.
Sự bất cập trong luật đăng ký bản quyền thương hiệu
Việc đăng ký bản quyền ở Trung Quốc tuân theo quy tắc "lần đầu tiên nộp hồ sơ lên hệ thống” chứ không phải “lần đầu tiên sử dụng”. Do đó, họ sẽ chỉ cấp quyền bảo vệ cho những người nộp đơn đầu tiên ở Trung Quốc bất kể mục đích sử dụng.
Thêm vào đó, hệ thống của Trung Quốc cũng không công nhận những thương hiệu đã được đăng ký tại các nước khác. Việc này dẫn đến những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu cũng bị gây "khó dễ" ở Trung Quốc. Năm 2012, Apple từng phải trả khoản tiền 60 triệu USD cho một công ty đã “nhanh tay” đăng ký cái tên iPad ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc “ăn cắp” bản quyền cái tên này lại bị cấm đối với những danh nhân ở Trung Quốc. “Nếu một ai đó muốn đăng ký cái tên Chủ tịch Mao Trạch Đông, họ chắc chắn sẽ bị cấm”, luật sư chuyên về các vụ kiện thương hiệu tại Kangxin Partners, Arthur Wu cho biết.
Những người kiểm tra việc đăng ký bản quyền thương hiệu thường không rõ liệu cái tên đó có thực sự thuộc về một người nào khác hay không trừ khi chủ nhân cái tên đó quá nổi tiếng. Chính vì vậy, các streamer và influencer thường không biết liệu họ có đủ nổi tiếng để cần phải đăng ký cái tên của mình hay không vì chi phí cho mỗi lần là khá đắt.
Hệ thống cấp phép bản quyền thương hiệu của Trung Quốc cũng đã mở ra “cánh cửa” cho một loại hình công nghiệp mới. Theo Catherine Zheng, một luật sư tại Deacons, Trung Quốc hiện là “nhà” cho các công ty trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký bản quyền thương hiệu rồi sau đó bán nó.
Hồi tháng 7/2012, Apple đã phải trả 60 triệu USD cho công ty Proview Technology để chấm dứt một tranh chấp pháp lý kéo dài đối với thương hiệu iPad ở Trung Quốc. Ảnh: JON PHILLIPS/WIRED.COM. |
Zhiqiao Electronic Products chính là một trong số những công ty thuộc lĩnh vực mới này. Công ty này đang nắm giữ 109 bản quyền thương hiệu bao gồm cả những cái tên của các vlogger được nhiều người biết đến như game thủ Luoxing Jieshuo.
Với một ngôi sao đang lên, việc mất đi cái tên và tài khoản với hàng triệu lượt theo dõi cũng đồng nghĩa với mọi công sức bỏ ra đều đã bị chiếm đoạt. Vì vậy, những người làm công việc sáng tạo phải “chống trả” bằng cách làm điều họ giỏi nhất: tạo ra nội dung hấp dẫn.
Những lời phàn nàn của Jing đã truyền cảm hứng cho nhiều vlogger khác bày tỏ sự thất vọng của họ. Trong khi đó, nền tảng mà Jing lựa chọn, Bilibili hiện đã tiến hành tư vấn các vấn đề pháp lý cho những streamer và influencer của họ.
Theo luật sư Zheng, trong tương lai, những vụ việc như của Jing có lẽ sẽ ít xuất hiện hơn khi đã có sự can thiệp từ chính quyền. Cụ thể, theo Abacus, Trung Quốc vừa ban hành một sửa đổi mới trong luật đăng ký bản quyền để hạn chế việc sử dụng tên của người khác để kiếm tiền.