Thay vì im lặng trước chuyện thị phi diễn ra như cơm bữa trong giới showbiz, nghệ sĩ Trung Dân đã phản ứng thẳng thắn trước thái độ hỗn xược của ca sĩ Hương Giang Idol trong buổi ghi hình game show.
Với tư cách là người thầy dạy học và người thân của Trung Dân, tôi muốn nói với cậu ấy nhiều điều, kể cả với Hương Giang Idol. Tuần qua nhiều nghệ sĩ và nhà báo theo dõi mảng văn hóa văn nghệ đã nói với tôi rằng hãy bớt khắt khe với thế giới showbiz đi vì… bản thân nó đã vốn như vậy.
Họ cũng nhắc lại những bài báo và dòng trạng thái của tôi đã gây khó khăn, thậm chí rắc rối với pháp luật cho các nghệ sĩ như thế nào. Hôm nay tôi muốn nói lại điều đó với Trung Dân.
Người nghệ sĩ có tính cách ngay thẳng
Tôi là người thầy trong mái trường Trung Dân đã học và là người thân thiết với gia đình cậu ấy. Do đó, tôi không hề ngạc nhiên trước tính cách thẳng thắn của Trung Dân. Đó vừa là truyền thống gia đình vừa là tính cách cá nhân.
Ngay từ hồi còn đi học, cậu học trò Trung Dân đã tỏ rõ tính tình ngay thẳng, chống mọi biểu hiện sai trái trong thi cử, học lệch và đôi lần đã làm chính quyền địa phương khó xử vì những hành động đấu tranh bảo vệ người nông dân nghèo quá bộc trực, thiếu thông hiểu.
Ngay từ hồi còn đi học, cậu học trò Trung Dân đã tỏ rõ tính tình ngay thẳng, chống mọi biểu hiện sai trái trong thi cử.
Khi đọc bài tập làm văn đầu tiên của Trung Dân trong kỳ thi học kỳ do giáo viên đứng lớp chuyển lên, tôi đã thật sự ngạc nhiên vì sự hiểu biết và già trước tuổi của cậu học sinh khi nhìn các hiện tượng xã hội.
Tôi đoán rằng cậu ấy sẽ trở thành một nhà báo, một luật sư hoặc theo đuổi chính trị như truyền thống gia đình. Nhưng Trung Dân đã rẽ sang một hướng khác đầy bất ngờ.
Chú Bảy - ba nghệ sĩ Trung Dân - là chủ tịch xã đầu tiên đầy quyền lực nơi gia đình tôi ở. Những oán thù, mâu thuẫn chực chờ bùng nổ sau 1975 được chú giải quyết ổn thỏa, hợp lòng dân, nhờ đó làng quê đổi mới đi lên.
Thẳng thắn vừa là tính cách cá nhân vừa là truyền thống của gia đình nghệ sĩ Trung Dân. |
Khi Trung Dân quyết định đi vào con đường nghệ thuật thay vì đi làm bác sĩ, kỹ sư hay cán bộ với đường tương lai rộng mở như các anh chị trong gia đình, chú Bảy tỏ ra rất lo lắng và xuống nhà nhờ tôi khuyên nhủ người con trai.
Nhưng tôi khuyên chú bình tĩnh, hãy để Trung Dân đi theo con đường mình thích, đó là nghiệp dĩ hay nghiệp chướng thì thời gian sẽ trả lời. Dõi theo con đường nghệ thuật của Trung Dân, tôi rất mừng vì cậu ấy từng bước trưởng thành, mang tiếng nói của làng quê nhỏ bé đến với công chúng.
Ban đầu đó chỉ là những chuyện vụn vặt mà ký ức của Trung Dân lưu lại khi là cậu bé nghịch ngợm ở xóm Ngã Ba Cây Khế, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Duyên lắm nhưng những vấn đề của nó cũng chỉ đóng khung trong cổng làng.
Chỉ là chuyện trong cổng làng nhưng chúng cũng đã làm chính quyền địa phương nhốn nháo vì nó thật quá, thẳng quá, chúng nặng về phản ánh sự vật, hiện tượng hơn là tác phẩm nghệ thuật.
Thời gian trôi qua, đến một tuổi nào đó vai diễn của Trung Dân trở nên sâu lắng hơn, trong tiếng cười có giọt nước mắt, trong lốt những ông lão nhà quê là một trời vấn nạn tam nông mà khéo léo lắm người xem mới cảm nhận được.
Chỉ là câu chuyện sốt đất nhưng qua diễn xuất của Trung Dân nhịp độ thị hóa quá nhanh đã làm nông thôn biến động hiện lên rõ mồn một mà rất duyên. Đến chuyện chiếc điện thoại di động rung trong túi quần Trung Dân và bạn diễn cũng làm khán giả cười nghiêng ngả bởi những cái nhịp chân kéo theo như bị ma làm.
Học trò hối lỗi, bề trên hãy vị tha
Nhưng nếu chỉ xem Trung Dân diễn qua màn ảnh nhỏ thì sẽ không thể cảm nhận hết được sự tinh tế của một nghệ sĩ đã đến độ chín của nghề. Với các vở Tiếng vạc sành và Bệnh sĩ, Trung Dân làm cả khán phòng há hốc mồm, nín thở theo dõi màn độc thoại quá hấp dẫn, thậm chí cả bạn diễn dày dạn kinh nghiệm là Minh Nhí cũng quên vai diễn mà theo dõi say mê.
Và khi trở về ngôi trường thân yêu trong ngày kỷ niệm thành lập, Trung Dân trên cái sân khấu bằng bàn học ghép lại đã làm thầy trò chết điếng vì ứng xuất diễn lại những gì đang xảy ra trong nhà trường.
Nhưng đó cũng là bi kịch của Trung Dân. Con người như vậy, tính cách nghệ sĩ như vậy làm cho Trung Dân trở nên cô độc trong thế giới showbiz lắm thị phi, nhiều chiêu trò và không thể thiếu bè cánh.
Hương Giang Idol đã lên tiếng xin lỗi, cho dù mức độ thành thật đến đâu chúng ta chưa biết nhưng trong thế giới nghệ sĩ, đó là một cái lễ. Học trò tỏ ra hối lỗi thì bề trên cũng phải tiếp nhận và vị tha. Cũng như cách ứng xử của các nghệ sĩ tiền bối mà mới đây nhất là việc danh ca Hương Lan chấp nhận lời xin lỗi của Việt Hương.
Hương Giang bật khóc, xin phép sự tha thứ của bậc đàn chú trong nghề trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 14/5. Cô chia sẻ sẽ nhanh chóng tìm cách liên hệ Trung Dân để trực tiếp xin lỗi. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Thái độ phản kháng trước sức mạnh đồng tiền, sự cấu kết của những ông chủ màn ảnh và giới nghệ sĩ chắc sẽ không mang đến sự thay đổi nào, nhưng đó là tiếng nói trung thực đáng quý. Nó báo động về một xu hướng vô văn hóa trong biểu diễn hài và game show, cũng như sự nô dịch của đồng tiền đối với nghệ thuật biểu diễn.
Nhưng tôi không khuyên Trung Dân rút khỏi game show. Hơn lúc nào hết game show và những chương trình truyền hình thực tế, với xu hướng thụ hưởng mới không thể cưỡng lại, rất cần những người trưởng thượng như Trung Dân, Thành Lộc, Hoài Linh và Hữu Châu tham gia để bảo ban cho thế hệ trẻ.
Ở ngoài phê phán thì dễ nhưng bỏ mặc, để bậc hậu bối tự bơi ngày càng xa nghệ thuật chân chính thì cũng tội nghiệp lắm.
Ở ngoài phê phán thì dễ nhưng bỏ mặc, để bậc hậu bối tự bơi ngày càng xa nghệ thuật chân chính thì cũng tội nghiệp lắm.
Nghệ thuật cũng như cuộc sống, cũng như cây khế trong vườn nhà chú Bảy, ba Trung Dân, có cả chua và ngọt. Trái nào ngon tùy cách ta dùng.
Hãy tha thứ, chén đắng càng làm người nghệ sĩ trưởng thành hơn Trung Dân ạ.