Sự kiện các công ty giải trí Hàn Quốc mở cửa khu vực dành riêng cho người hâm mộ cho thấy thay đổi trong nhận thức về tầm quan trọng của fan Kpop.
Không gian riêng cho người hâm mộ
Đầu tháng 6, YG Entertainment đã mở không gian dành riêng cho người hâm mộ, gần trụ sở mới của công ty ở phía tây Seoul (Hàn Quốc). Tòa nhà có tên “the SameE” bao gồm khu triển lãm, quán cà phê và cửa hàng lưu niệm cho khách tham quan.
YG khai trương tòa nhà với nhiều tiện ích dành cho fan. Ảnh: YG Entertainment. |
YG giải thích tên tòa nhà xuất phát từ quan điểm nghệ sĩ, người hâm mộ có thể cùng ở trong một không gian. Và, người hâm mộ là “bản ngã thay thế” (alter egos) của những nghệ sĩ, theo Korea Times.
YG cho biết tòa nhà “the SameE” làm nổi bật triết lý của công ty, đó là “nghệ sĩ tồn tại nhờ vào fan, những người thay đổi cái tôi của nghệ sĩ”, theo Yonhap News.
Ngoài ra, người hâm mộ có thể tận hưởng các tiện ích khác nhau khi chờ đợi thần tượng ở phía trong tòa nhà. Trước kia, người hâm mộ phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ ở dưới trời nắng nóng, hoặc tuyết rơi ở bên ngoài trụ sở YG Entertainment để nhìn thấy những thần tượng yêu thích của họ.
Hybe Corporation cũng khai trương Hybe Insight tại trụ sở mới công ty hồi tháng 5. Không gian dành cho fan của công ty quản lý BTS rộng tới 4.700 m2, trải dài khắp 2 tầng hầm tại Hybe Yongsan và được xem là “bảo tàng âm nhạc” dành cho nghệ sĩ cùng người của công ty.
Người hâm mộ có thể xem những khoảnh khắc hậu trường để hiểu rõ hơn về thần tượng yêu thích thông qua video và quà lưu niệm từ các chuyến lưu diễn. Ngoài tổ chức các tour du lịch, công ty còn thiết kế chuyến tham quan bằng âm thanh (audio tour) dành cho du khách.
Hybe Corporation cho biết: “Hybe Insight là bảo tàng giúp khách tham quan tìm hiểu con đường âm nhạc của Hybe. Đây là nơi công ty, các nghệ sĩ và người hâm mộ đã chung tay xây dựng nên. Hybe Insight cũng là địa điểm để nghệ sĩ và người hâm mộ giao lưu bằng âm nhạc”.
"Ví tiền fan đi tới đâu, công ty giải trí chiều theo tới đó"
Năm 2016, theo Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, ngành công nghiệp Kpop đạt giá trị 4,7 tỷ USD. Cùng thời điểm, Korea Foundation – tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc – ước tính có khoảng 35 triệu người hâm mộ Kpop trên toàn cầu, tăng hơn 60% so với năm 2014.
Những năm qua, fan Kpop là động lực chính cho sự phát triển của nghệ sĩ Hàn Quốc ở trong nước và quốc tế. Fandom (cộng đồng người hâm mộ) tập hợp hàng triệu người dõi theo và ủng hộ sự nghiệp của thần tượng mà họ yêu thích. Với âm nhạc, fan Kpop luôn tràn đầy năng lượng và đam mê.
Bảo tàng cho fan BTS nằm trong khu phức hợp HYBE Insight. Ảnh: HYBE. |
Đơn cử, thành công của BTS tại Mỹ có đóng góp không nhỏ của fan, những người đã gọi điện cho các đài phát thanh của Mỹ, mua album và giúp cho nhóm nhạc Hàn Quốc là nghệ sĩ Kpop đầu tiên lọt vào top 40 của Billboard Hot 100 với ca khúc MIC Drop, theo SCMP.
Jenna Gibson, giám đốc truyền thông của Viện Kinh tế Hàn Quốc, tiết lộ các công ty giải trí Hàn Quốc hiểu rằng lực lượng người hâm mộ hùng hậu dẫn đến lợi nhuận bền vững.
Các công ty giải trí Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách có lợi cho việc quảng bá hình ảnh thần tượng, cũng như gia tăng quan hệ tình cảm giữa thần tượng và người hâm mộ. “Các sự kiện, không gian dành cho người hâm mộ Kpop đều được mở cửa miễn phí”, Gibson chia sẻ.
Bất chấp đại dịch Covid-19, doanh thu các công ty giải trí Hàn Quốc vẫn tăng. Nhờ thành công của BTS, doanh thu Hybe Corporation năm 2020 đã tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước, từ 518 triệu USD lên 717 triệu USD. Lợi nhuận của YG Entertainment năm 2020 tăng 2 triệu USD so với năm 2019. JYP Entertainment tuy có doanh thu năm 2020 giảm 10 triệu USD so với năm 2019, nhưng lợi nhuận lại tăng từ 39 triệu USD lên 40 triệu USD nhờ bán album và tiền bản quyền, theo Korea JoongAng.
SM Entertainment là ngoại lệ. Doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 2020 đều giảm so với năm trước do những bê bối của hai ngôi sao Yunho (TVXQ) và Irene (Red Velvet). Cụ thể, doanh thu giảm 11,8% (từ 592 triệu USD xuống 521 triệu USD) và lợi nhuận giảm 83.9% (từ 36 triệu USD xuống 5,9 triệu USD), theo Korea JoongAng.
Với việc bỏ tiền và dành nhiều thời gian, tâm huyết để hậu thuẫn sự nghiệp cho nghệ sĩ, người hâm mộ Kpop tin rằng họ có quyền đưa ra những yêu cầu nhất định. Người hâm mộ sẽ đoàn kết lại, đưa ra nhiều yêu cầu và tạo áp lực lên công ty quản lý nếu cảm thấy không được tôn trọng hoặc có sự việc không đúng theo ý muốn.
Tất nhiên, đa số trường hợp công ty quản lý phải chiều theo, hoặc có biện pháp xoa dịu cơn phẫn nộ khi người hâm mộ lên tiếng. “Ví tiền người hâm mộ Kpop đi đến đâu, các công ty giải trí Hàn Quốc chạy theo đó”, Gibson kết luận.
BTS và các nhóm nhạc Kpop nói chung đều thành công nhờ sự ủng hộ nhiệt tình về vật chất cũng như tinh thần của fan. Ảnh: HYBE. |