Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Thiên Kim: Rất hài lòng nếu được chết trên sân khấu

Từ nhỏ đến lớn bà đã sống vì nghệ thuật thì bà cũng sẽ nguyện chết vì nghệ thuật. Nếu một ngày kia bà có thể chết tại sân khấu, chết với nghề nghiệp của mình, bà cũng cam lòng.

Đó là những chia sẻ của nghệ sĩ Thiên Kim. Bà được nhiều người biết đến và yêu mến bởi hàng loạt những vai diễn khác nhau, trong đó gần đây nhất là vai bà Mười bán nước sạch trong Bỗng dưng muốn khóc và vai mẹ chồng trong Mẹ chồng nàng dâu.

Nghệ sỹ Thiên Kim được công chúng vô cùng mến mộ.
Nghệ sĩ Thiên Kim được công chúng vô cùng mến mộ.

Chúng tôi gặp bà trong một chiều mưa, vẫn khuôn mặt hiền hậu, nụ cười an yên, niềm nở khi tiếp chúng tôi. Nhìn bà ai cũng nghĩ rằng bà sẽ được hưởng nhiều phước hạnh thế nhưng ít ai biết rằng ở cái tuổi “thập cổ lai hy” bà vẫn phải vật lộn trên phim trường kiếm sống, không có lấy một mái nhà để nương thân.

Cuộc đời lênh đênh như nhánh lục bình

Năm nay nghệ sĩ Thiên Kim đã bước sang tuổi 82 thế nhưng khuôn mặt bà vẫn toát lên vẻ đẹp mà khi nhìn vào bất kì ai cũng có thể hình dung ra “nàng Điêu Thuyền” thời còn xuân sắc.

Nghệ sĩ Thiên Kim là con gái của kép độc Sáu Đỏ tiếng tăm một thời, nhưng khi bà lên 2, cha đã bỏ mẹ con bà mà đi. Khi 4 tuổi, mẹ bà tái hôn còn bà được đưa sang ở cùng người mẹ kế. Nào đâu, bao nhiêu ghen tức, giận hờn kiếp chồng chung của người mẹ kế đã mang trút lên đầu đứa trẻ. Cho đến bây giờ bà vẫn không thôi ám ảnh những trận đòn roi vô cớ, những lần nuốt nước mắt tủi hờn khi biết mẹ ruột đến thăm mà không được gặp...

Mãi đến năm 8 tuổi, Thiên Kim mới được trở về bên vòng tay của mẹ ruột. Từ đó bà rong ruổi đeo mang nghiệp hát và quyết theo nó đến cùng.

Thiên Kim ngày ấy là cô đào xinh đẹp, nổi tiếng với vai Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình. Năm 18 tuổi, Thiên Kim lấy chồng nhưng chồng bà cũng sớm ra đi, bỏ lại cô gái trẻ và đứa con đầu lòng mới tròn 3 tháng tuổi.

Đau đớn bao nhiêu khi tóc mới xanh đã sớm trắng tang chồng, khi ấy Thiên Kim một mình ngậm đắng nuốt cay, mặt hoa da phấn, xiêm y lộng lẫy để bước ra sân khấu kiếm tiền nuôi đứa con thơ khát sữa. Đâu hay rằng, màn đêm xuống, rũ bỏ lớp phấn son bà chỉ biết lặng đi ngồi ôm con mà khóc.

Bà ví cuộc đời mình như nhánh lục bình trôi theo dòng nước lũ.
Bà ví cuộc đời mình như nhánh lục bình trôi theo dòng nước lũ.

Trải qua biết bao thăng trầm, bà ví cuộc đời mình như nhánh lục bình bọt bèo trôi theo dòng nước lũ. Và có những vết thương quá khứ khiến bà thổn thức, ám ảnh mãi không thôi. Đó là một lần diễn vào năm 1955, khi bà đang diễn vở Lấp sông Gianh tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) thì bị trúng lựu đạn. Khi ấy bạn diễn của bà người bị thương, người thì bỏ mạng, còn bà bị trúng nhiều mảnh văng, vết thương ấy vẫn đeo bám bà đến tận bây giờ. Bà cho biết: “Giờ cứ trái gió trở trời là chân nó nhức lắm. Bà không thể nào quên cảnh tượng đó, nó ám ảnh bà mãi không thôi. Vì thế bà chia tay cải lương và chuyển sang làm lồng tiếng và đi đóng phim”.

Có lẽ nỗi đau thân xác không thấm tháp gì so với việc chứng kiến sự mất mát của những người anh em cùng nhau sớt chia vui buồn sau ánh đèn sân khấu. Nó khiến bà quyết định từ bỏ đam mê từ nhỏ của mình. Tuy nhiên với một Thiên Kim mạnh mẽ, tự lập, bà đã nhanh chóng nhập vai và thành công trên lĩnh vực điện ảnh. Bà cũng chia sẻ khi tham gia làm diễn viên lồng tiếng, chỉ cần biết nhân vật bà có thể hóa thân xuất sắc thành một đứa trẻ lên 3 cho đến cụ già 80 tuổi.

Trải qua biết bao thăng trầm, khi cả 5 đứa con đều đã có gia đình, mẹ mất, bà một mình cô đơn nên đã xin chuyển vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Tính đến nay bà đã gắn bó được 14 năm với những tháng ngày bình lặng bên những người bạn già ở nơi đây.

Sống vì nghệ thuật nên nguyện chết cùng nghệ thuật

Bà trải lòng mình “Từ nhỏ đến lớn tôi đã sống vì nghệ thuật thì tôi cũng sẽ nguyện chết vì nghệ thuật. Nếu một ngày kia tôi có thể chết tại sân khấu, chết với nghề ngiệp của mình thì tôi cũng rất hài lòng”.

Cuộc đời lắm gian truân, 82 tuổi bà vẫn miệt mài đi đóng phim để lo cho mình. Nhưng hơn hết là tấm lòng vì những người hâm mộ.

Con cái mỗi người một phương trời khác nhau, cuộc sống nơi viện dưỡng lão tuy yên bình nhưng cũng lắm lúc cô đơn, cô đơn chính vì tình thân và niềm khát khao được an hưởng tuổi già bên con cháu. Nhìn những người bạn già của mình được con cháu thăm nom, chu cấp, còn bà vẫn lủi thủi đi diễn để chăm lo cho bản thân tránh sao được những lúc mủi lòng. Bà tâm sự: “Nhìn thấy người ta như vậy bà cũng tủi lắm chứ nhưng xong rồi thì thôi. Số phận mình đã hẩm hiu như vậy cũng đành chịu”.

Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn rất tinh anh, bà lật dở từng trang ảnh, bà ghi nhớ tất cả những vai diễn của mình, những người bạn đồng nghiệp chụp cùng trong ảnh và giới thiệu về họ với niềm tự hào.

Dù tuổi đã cao nhưng bà vấn rất tinh anh, lật dở từng trang hình cũ và mô tả chi tiết vai diễn hay bạn diễn cùng.
Dù tuổi đã cao nhưng bà vấn rất tinh anh, lật dở từng trang hình cũ và mô tả chi tiết vai diễn hay bạn diễn cùng.

Khi được hỏi bà có nhớ mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim và vai diễn nào ấn tượng nhất, bà cười giòn giã: “Bà đóng nhiều lắm, không nhớ mình đã đóng bao nhiêu phim rồi nữa. Nhiều khi vô tình thấy mình trên phim bà lại giật mình tự hỏi: Ủa phim này mình đóng hả?”.

Bà trân quý từng vai diễn của mình, dù nhỏ, dù lớn: “Nói đúng ra đã là nghề thì vai nào mình cũng yêu. Bắt bà đóng một vai độc ác bà cũng đóng được, hay vai hài rồi điên khùng gì bà cũng có thể làm được hết. Cái nào mình cũng đem tâm trí để nhập tâm vào vai diễn vì thế với bà vai diễn nào cũng quý cả”.

Diễn bằng cả cái tâm nên bà được rất nhiều người mến mộ, có những khi đang đi ngoài đường bỗng nhiên có những người nhận ra và chạy đến ôm chầm lấy bà.

Bà chia sẻ: “Nhìn thấy khán giả yêu mình, thương mình, mình hạnh phúc lắm, đời nghệ sĩ chả trông gì hơn ngoài điều đó. Bởi vậy bà chỉ mong được sức khỏe để có thể trình diễn, cung phụng lại khán giả. Vì mọi người yêu thương mình quá, không biết lấy gì để bù đắp lại tấm lòng thì mình chỉ có thể diễn xuất để họ có thể coi mình cho đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay”.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, viện dưỡng lão trầm ngâm, yên ắng là nơi để người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời vì nghệ thuật nương nhờ và ngày ngày ngắm dòng người hối hả ngược xuôi nơi con hẻm nhỏ.

http://songtre.baodatviet.vn/index.php/chuyen-muc/sao/nghe-sy-thien-kim-rat-hai-long-neu-duoc-chet-tren-san-khau.html

Theo Hải Yến/ Đất Việt

Bạn có thể quan tâm