Mặc dù thời tiết ở Hà Nội vào chiều 24/1 xuống đến mức thấp nhất từ đầu mùa đông đến nay nhưng nhà thiết kế Đức Hùng vẫn ngâm mình trong nước để phục vụ khán giả nước ngoài. |
Nhiều người cho rằng, nghệ thuật múa rối nước là một trong những sứ giả văn hóa của Việt Nam. Những năm gần đây, loại hình nghệ thuật này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đoàn du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Có những ngày, các nghệ sĩ múa rối biểu diễn liên tục từ sáng đến 22h mới được về nhà.
Để thành thục múa rối nước, người nghệ sĩ cần phải trải qua thời gian dài tìm tòi, học hỏi. Đặc biệt muốn theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này cần phải có đam mê thực sự, chấp nhận hy sinh để mang đến cho khán giả những màn trình diễn hay nhất.
NSƯT Đức Hùng hiện là trưởng đoàn diễn viên 1 Nhà hát Múa rối Thăng Long. Nổi tiếng với nghề thiết kế thời trang, ít ai biết Đức Hùng là người được đào tạo bài bản tại trường Nghệ thuật Sân khấu Hà Nội về nghề múa rối.
Anh bảo, nhà hát giống như ngôi nhà của mình, lâu không biểu diễn, không ngâm mình xuống nước thì nhớ không chịu nổi. Mặc dù thời tiết ở Hà Nội vào chiều 24/1 xuống đến mức thấp nhất từ đầu đông đến nay anh vẫn ngâm mình trong nước để múa rối phục vụ khán giả nước ngoài.
Đức Hùng chia sẻ nghề múa rối nước không có mùa đông, dù nhiệt độ xuống đến 5 độ C hay thấp hơn nữa thì người nghệ sĩ vẫn bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết để mang nét đẹp văn hóa Việt đến khán giả.
“Rối cạn còn nhàn chứ rối nước thì vất vả hơn nhiều. Những hôm Hà Nội xuống 5 độ, chúng tôi vẫn ngâm mình trong nước nhưng lạ một điều, không ai kêu ca, kể khổ. Yêu nghề nên khó khăn với chúng tôi chỉ là chuyện thường ngày ở huyện” - Đức Hùng trải lòng.
Anh đi bốn đôi tất, mặc ba quần len, bên ngoài là quần cao su. Các đồng nghiệp nữ còn ý thức về việc giữ ấm nhiều hơn anh, có chị đi 5 đôi tất. Mặc như thế mà ai cũng run cầm cập, lúc giải lao phải động viên, trêu đùa nhau cho quên rét.
Trung bình, mỗi nghệ sĩ diễn một ngày 6 ca, mỗi ca từ 50-55 phút. Sau 20 phút giải lao, họ lại lao xuống nước. Sự khắc nghiệt của nghề nghiệp khiến nhiều người đối diện với nguy cơ mắc bệnh khớp khi về già.
Nhìn sân khấu đông kín khán giả (khoảng 320 người/suất diễn), phần đa là những người tóc vàng, mắt xanh không hiểu tiếng Việt nhưng liên tục thốt ra những tiếng trầm trồ khen ngợi, Đức Hùng chỉ: "Sức mạnh của chúng tôi là ở đây chứ đâu".
Truyền thuyết Hồ Gươm được tái hiện trên sân khấu múa rối nước. Đằng sau tấm mành tre là các nghệ sĩ đang ngâm mình dưới bể nước để điều khiển các con rối. |
Với tư cách trưởng đoàn, Đức Hùng vừa phải lo công việc điều hành, vừa phải trực tiếp đứng biểu diễn. Thường nhà hát nghiêng về rối nước, phục vụ cho các đoàn khách nước ngoài; rối cạn dành phục vụ các kỳ hội diễn, trường học và những ngày hội của thiếu nhi. Tâm huyết với nghề là vậy nhưng người nghệ sĩ múa rối không khỏi những phút chạnh lòng khi luôn đứng sau phông đen, thể hiện bằng bàn tay, giọng nói mà chẳng được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Họ không tự tin như diễn viên kịch nói, điện ảnh vì không được "va đập" với ánh sáng sân khấu. Không ít nghệ sĩ quyết định nghỉ diễn để tìm kế sinh nhai khác.
Đã có lúc, Đức Hùng viết đơn nghỉ việc để toàn tâm theo đuổi thời trang. Vị giám đốc từng trải khuyên anh, trồng cây sắp tới ngày ăn quả, đừng vội nản lòng. Nhờ lời khuyên chân thành ấy, Đức Hùng đã cố cân bằng giữa hai niềm đam mê. Liên tiếp nhiều năm, Đức Hùng nhận được các huy chương vàng, bạc của các liên hoan múa rối trong và ngoài nước. Trong gần 30 năm theo nghề múa rối, anh đi diễn trên 30 nước, nhiều nước tới 3-4 lần như Tây Ban Nha, Nhật… Có lần sang Australia biểu diễn gần bốn tháng, giao thừa Việt Nam trời lạnh căm căm nhưng ở Australia nắng gắt. “Tôi vốn là người thích Tết, khi ấy lại mới có con đầu nên nhớ nhà không chịu được. Lần đầu tiên múa rối lấy được nước mắt của tôi” - Đức Hùng bồi hồi nhớ lại.
Bên lề buổi buổi diễn, Đức Hùng thổ lộ "Thiết kế thời trang và biểu diễn múa rối nước như Thúy Vân - Thúy Kiều trong tôi vậy, mỗi lĩnh vực lại có vẻ đẹp, hương sắc riêng. Dù có vất vả tôi cũng nguyện theo đuổi cả hai thứ và nhất quyết không bỏ đam mê với nghệ thuật múa rối nước".
NSƯT Đức Hùng đang công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Anh bảo, nhà hát giống như ngôi nhà của mình, nếu mà lâu không biểu diễn, không ngâm mình xuống nước thì nhớ không chịu nổi. |