Đại dịch Covid-19 khiến showbiz Hoa ngữ đối diện với thời kỳ đóng băng tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Đã gần 4 tháng trôi qua các hoạt động trong giới giải trí vẫn chưa được phục hồi toàn bộ dù bệnh dịch ở Trung Quốc đã được kiểm soát tốt.
Showbiz "ngủ đông" đồng nghĩa với việc một lượng lớn nghệ sĩ rơi vào trạng thái thất nghiệp dài hạn, mất cát-xê tiền tỷ. Dẫu vậy, giữa bóng đen khủng hoảng, các ngôi sao vẫn tìm được lối thoát cho bản thân, ghi điểm trong mắt công chúng nhờ những hoạt động có ý nghĩa xã hội.
Nghệ sĩ đồng loạt hạ tiền cát-xê
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ra khắp các thành phố ở Trung Quốc đã đẩy giới giải trí rơi vào tình thế ngưng trệ hoạt động, nghệ sĩ mất show. Không ít các ngôi sao như Lưu Đức Hoa, Dương Thừa Lâm, Trần Dịch Tấn, Lê Minh, Thái Y Lâm... tính đến nay đã phải gánh chịu tổn thất kinh tế do loạt sự kiện âm nhạc bị hủy bỏ vô thời hạn.
Theo Tân Hoa Xã, sao hạng A tại Trung Quốc có cát-xê dao động từ 8 triệu đến 20 triệu USD cho mỗi dự án phim. Ở lĩnh vực âm nhạc, họ cũng dễ dàng bỏ túi hàng triệu USD sau những tour diễn kín khán giả. Nhưng đó là chuyện trước thời điểm bùng phát dịch. Hiện, nghệ sĩ không có thu nhập và đã sớm tính việc hạ thù lao trong thời gian tới.
Nhiều ngôi sao trong giới giải trí hiện tại cũng đã dần tính đến chuyện giảm cát-xê từ 30-50% để nhận phim, chương trình truyền hình mới, cũng như san sẻ gánh nặng tài chính với các nhà sản xuất. Theo Sina, Quách Phú Thành gần đây cũng đã tự giảm 30% tiền thù lao để góp mặt trong dự án Đoạn mạng của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy.
Phía Quách Phú Thành chưa hạ giá cát-xê. Nhưng truyền thông dự đoán, không sớm thì muộn, nam diễn viên cũng sẽ phải đi theo "trào lưu" này. |
Mặc dù, người đại diện của nam diễn viên phủ nhận thông tin trên, song truyền thông Đại lục cho rằng với tình hình tài chính lao dốc hiện tại của ngành công giải trí, nếu Thiên vương Hong Kong không chủ động hạ mình, khả năng anh bị mất vai là rất lớn. Hơn nữa, nếu hét giá cát-xê trong thời điểm mọi ngành nghề trong xã hội đều lâm cảnh túng thiếu, một khi bị bại lộ, nam diễn viên sẽ bị khán giả quay lưng, chỉ trích. Vì vậy, không có lý do gì Quách Phú Thành không giảm tiền thù lao xuống mức thấp.
Phía Sina dự đoán, sắp tới đây, nhiều nghệ sĩ trong showbiz cũng sẽ bắt nhịp với trào lưu chủ động giảm tiền cát-xê để hỗ trợ nhà sản xuất vượt qua cảnh thiếu trước hụt sau. Cách đây 17 năm, khi đại dịch SARS hoành hành, Lưu Đức Hoa cũng từng tạo nên làn sóng tương tự trong showbiz Hong Kong khi tự nguyện giảm thù lao lúc quay bộ phim Vô gian đạo.
Từ thiện và quyên góp trở thành ưu tiên hàng đầu
Không chỉ vậy, trong giai đoạn chống dịch cam go, hơn 500 nghệ sĩ lớn, nhỏ ở giới giải trí cũng đã cùng nhau quyên góp số tiền khủng, vật tư y tế và đồ dùng sinh hoạt để hỗ trợ tối đa cho tâm dịch Vũ Hán. Với tầm ảnh hưởng của mình, việc làm của họ nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Fandom của không ít các ngôi sao tên tuổi cũng đã học tập thần tượng, tổ chức quyên góp nội bộ nhằm chung tay đẩy lùi bệnh dịch.
Theo tính toán, nguồn quyên góp từ các nghệ sĩ tại Trung Quốc lên đến hàng trăm triệu USD. Trong đó những cái tên nổi bật về quyên góp có thể kể đến Huỳnh Hiểu Minh, Hàn Hồng. Hàn Hồng đã đứng ra quyên góp gần 50 triệu USD.
Bên cạnh những đóng góp về tiền của, giới văn nghệ sĩ kháng dịch cũng tiếp lửa cho đội ngũ nhân viên y tế trên khắp Trung Quốc bằng sản phẩm âm nhạc, phim ảnh với nội dung ý nghĩa, thiết thực.
Nhiều nghệ sĩ thực hiện MV cổ động trong mùa dịch. |
Hàng chục bài hát, MV cổ động nhằm tri ân các y, bác sĩ cũng như truyền thêm sức mạnh, sự lạc quan để chiến thắng Covid-19 cho toàn dân tại Trung Quốc, đã ra đời với sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng. Châu Kiệt Luân - Trương Học Hữu với Chờ gió mưa qua đi; Vương Lệ Bình - Tu Kiệt - Xuân Ni - Kỷ Hải Tinh với Vũ Hán, vì bạn khác biệt hay ca khúc Vững tin yêu nhất định sẽ chiến thắng với sự góp mặt của Thành Long, Huỳnh Hiểu Minh, Ngô Kinh, Thẩm Đằng, Tiêu Chiến...
Tất cả các sản phẩm này đều được nghệ sĩ tự bỏ tiền túi sản xuất. Còn đối với những dự án do cơ quan chính phủ thực hiện, họ tự nguyện ghi hình không thù lao. Thời điểm hiện tại, khi nhiều đơn vị rục rịch làm những bộ phim về dịch Covid-19, không ít ngôi sao đã bày tỏ nguyện vọng tham gia. Chưa biết mức cát-xê là bao nhiêu, nhưng một số tờ báo cho hay đã có không ít nghệ sĩ trẻ từ chối nhận tiền để được góp mặt trong các dự án ý nghĩa này vì tỷ lệ cạnh tranh cao.
Minh tinh hoạt động nghệ thuật online
Trong bối cảnh phải hủy hàng loạt lịch trình, nhiều nghệ sĩ chuyển hướng hoạt động nghệ thuật online giữa thời điểm "đói show". Cách làm này không chỉ phù hợp với bối cảnh chung, mà còn giúp họ kiếm tiền, duy trì danh tiếng và thu gom được số lượng không lượng lớn fan mới.
Theo thống kê của TMT Post, mức tăng trưởng trung bình trên ứng dụng video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc luôn vượt mức 40 triệu lượt người dùng/ ngày. Con số này cao hơn gấp 2 lần bảng xếp hạng rating của nhiều đài truyền hình lớn như Phương Đông, Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tô cộng lại. Con số này đã phần nào chứng minh sự thay đổi thị hiếu của khán giả trong mùa bệnh dịch.
Theo Sohu, nam ca sĩ nổi tiếng Tôn Diệu Huy chỉ cần ngồi tại nhà đánh đàn, hát và trò chuyện cùng người hâm mộ trong vòng 2 tiếng đã có thể kiếm được 70 triệu NDT/ một buổi livestream. Số tiền này nếu cộng dồn hàng ngày thậm chí còn cao hơn tiền cát-xê anh biểu diễn ở một sự kiện âm nhạc.
Vắng show diễn, nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ chuyển sang làm việc online để kiếm thu nhập. |
Tương tự, các buổi livestream bán hàng của Trịnh Sảng, Chung Hân Đồng, Hồ Khả, Lý Tương... cũng thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi và giúp các ngôi sao này thu về một khoản tiền thù lao lên đến hàng triệu USD từ hoa hồng của nhãn hiệu và tiền thưởng từ khán giả.
"Chúng ta không thể ngồi một chỗ và than vãn về cuộc sống. Hãy đứng lên, bước ra ngoài kia, hãy đọc thông tin và hãy sẻ chia với cộng đồng. Thất nghiệp lúc này là tạm thời, chung tay chống dịch mới là quan trọng", nghệ sĩ Lý Tương nhấn mạnh.