Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ hài Việt Hương: Nỗi buồn xin giữ lại riêng!

Cuộc đời của danh hài thường không hạnh phúc, bởi vì họ đã trao đi quá nhiều tiếng cười nên phần giữ lại cho riêng họ là những nỗi buồn, nước mắt…

Ba mẹ tôi chia tay nhau khi tôi còn ẵm ngửa. Ban đầu, tôi lớn lên không có cha như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng càng lớn tôi càng nhận rõ sự thiệt thòi, nỗi tủi thân. Nhất là những lúc tôi bị bệnh nặng, chỉ một mình mẹ túc trực bên giường bệnh trong khi các giường kế bên ai cũng có cha mẹ chăm sóc. Nhìn cha của những đứa trẻ khác tất bật chạy ra, chạy vào mua cháo, mua bánh cho con họ, tôi khóc! Nhưng tôi khóc thầm, tôi không muốn mẹ tôi biết mà thêm buồn.

Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm, tôi lớn lên, biết làm điệu rồi nhưng mẹ vẫn không có tiền dư dả để mua tặng tôi món đồ “làm đẹp”. Và một trong những kỷ niệm vui nhất thuở bé mà tôi còn nhớ đó chính là lúc được dì tặng cho cái băng đô cài trên đầu. Thuở đó, nó là thứ xa xỉ nhất đối với tôi!

Tôi lớn lên bên mẹ cho đến năm 15 tuổi thì tôi bắt đầu đi hát, tôi hát đám cưới, hát vũ trường… những nơi có chú của tôi làm. Chú tôi là một tay trống giỏi của một ban nhạc. Chú thấy tôi có năng khiếu nghệ thuật nên xin phép mẹ tôi cho tôi được theo chú hát kiếm sống. Tôi bắt đầu lăn lộn với cuộc đời kể từ đó! 

Từ nhỏ, mẹ tôi đã cho tôi học đàn rồi vì bà vốn là người rất đam mê nghệ thuật. Nhưng mẹ tôi không nghĩ tôi sẽ thành công trên con đường nghệ thuật. Lúc chú xin đưa tôi theo, vì chú là người trong nhà nên mẹ tôi gật đầu ngay. Tôi đi hát về có được chút tiền cho mẹ, ít lắm; mẹ tôi nhận được tiền mà rưng rưng, phần vì hạnh phúc, phần xót xa vì con gái mình đã phải bươn chải khi ở cái tuổi đáng ra phải được vui chơi, học hành. Rồi sau đó, tôi chọn thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM, mẹ tôi chỉ tâm sự với tôi một câu rằng: Nhà chỉ có hai mẹ con, con nên chọn học cái nào để sau này cho con đỡ khổ, mẹ không quyết định thay con!

Lúc đầu, tôi đinh ninh là mình vào Trường Sân khấu Điện ảnh sẽ được học thanh nhạc và đi hát, trở thành một ca sĩ. Nhưng cuộc đời đúng là không ai biết trước được, khi mới vào trường thì người thầy, là đạo diễn Nguyễn Công Ninh gặp và hỏi tôi rằng: Con có dám đi diễn không, diễn vai thứ chính luôn? Tôi vừa vui, vừa run nhưng cũng nhận lời ngay: “Dạ, nếu thầy cho!”. Thế là tôi được thầy Công Ninh dẫn đi diễn từ lúc mới đặt chân vào trường. Mà may mắn là ngay vai đầu tiên tôi đã được đóng vai thứ chính, đó là vai một học sinh. Khi ra sân khấu diễn, tôi nghĩ rằng nếu diễn theo hình ảnh một học sinh nghiêm túc, hiền dịu thì sẽ không vui chút nào nên tôi phá cách hóa thân thành một học sinh vui tính. Không ngờ vai diễn tạo được hiệu ứng tốt, dưới sân khấu khán giả thích thú vỗ tay rầm rầm.

Và cũng từ vai diễn này, nhiều người thấy được khiếu hài của tôi, thông tin lan truyền và tôi được các đạo diễn mời từ đó. Sau khi tôi vào trường học được 1 năm, đến năm 17, 18 tuổi thì tôi đạt được Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Và tôi được gọi là nghệ sĩ luôn từ đó. Tôi nghĩ ông trời thương mình nên mình mới được như vậy!

Nhưng nếu chỉ nhìn vào điều đó mà nói con đường nghệ thuật của tôi suôn sẻ như trải hoa hồng thì hoàn toàn không đúng. Sự suôn sẻ, may mắn chỉ đến lúc tôi đang học đó, nhưng khi ra trường và chính thức bước chân vào nghệ thuật thì mới vất vả, gian nan. Tôi không có một sự nâng đỡ nào, mà môi trường nghệ thuật thì có nhiều sự đấu đá nhau. Tôi chới với, hụt hẫng, như người đang đi chân trần và bước trên sỏi đá vậy. Tuy nhiên, dẫu khó khăn thế nào thì tôi chưa bao giờ chán nản và có ý định bỏ nghề. Tôi cũng phải tự mình đấu tranh để tìm chỗ đứng trên sân khấu và tôi cố gắng hết sức vào công việc diễn suất của mình. Tôi không có mưu mô, cũng không thể bằng mọi cách hạ bệ người khác, tôi tìm chỗ đứng bằng khả năng mình có.

Nhiều người nói tôi là “quái đản”, có “máu khùng”, “máu điên” trong người… tôi cười vì tôi cũng thấy mình như thế thật! Bởi khi lên sân khấu là tôi không còn là tôi nữa, tôi “quậy” hết cỡ. Và cũng chính vì vậy mà tôi được nhiều đồng nghiệp rất quý mến. Thêm nữa là tôi rất liều, có những cảnh nguy hiểm cần phải có cascadeur thì tôi làm luôn. Như những màn đánh võ bình thường, bị treo ngược… tôi tự diễn, trừ những màn quá nguy hiểm thôi. Tôi nhớ như in hồi tôi chưa nổi tiếng, tôi tham gia một vai diễn trong vở kịch “8 người đàn bà” của đạo diễn Quốc Thảo. Trong vở diễn này có cảnh tôi bị té lộn ngược từ trên bục cao 2m xuống sàn. Đạo diễn e ngại tôi không thể làm được nhưng tôi khẳng định chắc nịch là làm được nhưng cần tập trước để… té đúng tư thế!

Rồi đến năm 2005, tôi sang Mỹ sinh sống cùng chồng - ca sĩ, nhạc sĩ Hoài Phương. May mắn là khi qua đó, tôi được vào một trong những trung tâm lớn của hải ngoại cho nên tôi vẫn tiếp tục làm nghệ thuật cho đến bây giờ. Nhiều năm nay, tôi liên tục về nước biểu diễn. Cuộc sống của tôi gắn với những chuyến bay dài, liên tục. Rất may là gia đình bên chồng tôi vẫn còn nhiều người ở Việt Nam và chị gái tôi vẫn ở Sài Gòn, nên tôi không cảm thấy trống trải khi về nước. Có khi về nước lâu quá thì chồng con tôi cùng theo về.

Tôi đã đi diễn phục vụ cho kiều bào mình ở nhiều nơi trên thế giới. Nơi nào cũng để lại nhiều vấn vương, kỷ niệm. Như khi ở Đức, diễn xong chúng tôi ra xe để đi thì khán giả chạy theo vẫy tay chào, có người rớt nước mắt. Hình ảnh đó cũng khiến tôi rưng rưng xúc động, không muốn về! Cũng trong tour diễn ở châu Âu, tiết trời lạnh buốt, nghệ sĩ tới sân khấu thì chân tay đã tê cứng. Nhưng nhìn thấy khán giả chật kín khán phòng, reo hò chào đón chúng tôi, băng giá như tan hết!

Đời người nghệ sĩ hài sợ nhất là diễn mà khán giả không cười, nó đáng sợ hơn gấp trăm ngàn lần so với sô diễn không có khán giả hoặc không có cát-xê. Bầu sô mời mình, khán giả đến với mình là bởi họ mong muốn mình mang tiếng cười đến cho họ, thế nhưng mình diễn mà họ không thể cười nổi thì mình đã thất bại rồi. Rất may là tôi chưa một lần rơi vào trường hợp như vậy.

Với nghệ sĩ hài thì có một điều thế này, mọi người thấy chúng tôi cười nói suốt ngày nên nghĩ chắc cuộc đời, con người chúng tôi lúc nào cũng hỉ lạc như vậy. Nhưng thật ra không phải mà lắm khi trái lại. Đa phần cuộc đời của các danh hài không hạnh phúc, có lẽ do họ đã trao đi quá nhiều tiếng cười nên thứ còn lại với họ là những nỗi niềm và nước mắt. Tôi nhớ có nghệ sĩ hài hay tin cha mất ngay trước phút lên sân khấu để chọc cười khán giả. Đó là điều khủng khiếp nhất, nhưng họ vẫn phải làm!

Đằng sau tiếng cười của tôi, cũng là một trời ưu tư. Nỗi buồn đời ai mà chẳng có, với người nghệ sĩ hài cũng vậy. Tôi nhớ thời gian đầu mẹ tôi mất, tôi buồn đến nỗi bị stress, nhưng tôi vẫn phải “bay show” vì có những trường hợp tôi không thể nào từ chối được. Những ngày như vậy, tôi buộc phải dùng những liều thuốc để vỗ về giấc ngủ của mình trên những cánh bay!

Với lại, tôi không rõ những người nghệ sĩ hài khác thế nào nhưng riêng tôi, tôi không có thói quen bộc lộ nỗi buồn của mình. Như một thói quen, tôi chỉ thích mang đến nụ cười cho mọi người. Vì vậy, khi nghệ sĩ hài có những nỗi niềm tâm sự thì thường bị nó giày vò, cắn xé tâm can gấp nhiều lần so với người thường là như thế!

http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/nghe-si-hai-viet-huong-noi-buon-xin-giu-lai-rieng.html

Theo Thu Vân/ Petrotimes

Bạn có thể quan tâm