Chiều 14/9, ban tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2017 có buổi trà đàm tại hiên Nhà Thái học, trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Buổi trà đàm nhằm mục đích gặp gỡ các nghệ sĩ và báo chí để giới thiệu về một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm của ngành sân khấu - Lễ Giỗ tổ 12/8 Âm lịch.
NSND Trần Nhượng - đại diện ban tổ chức - cho biết buổi trà đàm diễn ra tại Nhà Thái học cũng là dịp để những người nghệ sĩ hôm nay có một khoảng thời gian để lắng mình trong không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
"Dưới mái hiên Nhà Thái Học, cũng là bóng che của tiền nhân, con cháu hậu thế hôm nay cảm nhận được đầy đủ những giá trị của bài học làm người, làm nghề. Từ đó, chúng ta nêu cao đạo lý uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ người trồng cây cùng với truyền thống tôn sư trọng đạo, cùng nhau đoàn kết và phát triển sự nghiệp mà những người đi trước đã gây dựng nên và để lại", NSND Trần Nhượng chia sẻ.
NSND Trần Nhượng là một trong những thành viên trong ban tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2017. |
Ngày 4/1/2011 Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg, lấy ngày 12/8 (âm lịch) hàng năm là "Ngày Sân khấu Việt Nam". Mỗi năm đến ngày này, các nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc đều có hoạt động để tôn vinh nghề và tưởng nhớ tổ nghiệp.
Năm nay, ở Hà Nội, các nghệ sĩ thống nhất tổ chức một chương trình lớn vào tối 29/9 tại sân khấu Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Chương trình được chia làm 3 phần. Phần một là lễ dâng hương, dâng hoa Tổ nghề sân khấu.
Phần hai là tri ân những nghệ sĩ cao tuổi, tưởng nhớ những nghệ sĩ đã ra đi trong năm và vinh danh những nghệ sĩ đang có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong năm.
Phần ba là trình diễn văn nghệ, dâng tổ những tiết mục đặc sắc với chủ đề tôn vinh những giá trị âm nhạc dân tộc.
Thành phần trong ban tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2017 bao gồm: NSND Trần Nhượng, NSND Vũ Ngoạn Hợp, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Đức Hùng, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh, Việt Tú, Hoàng Công Cường, ca sĩ Minh Quân...
Ban tổ chức khẳng định lễ giỗ Tổ nghề sân khấu sẽ là dịp để các nghệ sĩ gặp gỡ, cùng nhau nhìn lại một năm lao động. |
Là một trong 3 đạo diễn của chương trình, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh cho biết Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu được tổ chức với mong muốn mang đến một không gian để các nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật gặp gỡ, cùng nhau nhìn lại một năm lao động đã qua và hướng đến những hoạt động nghệ thuật mới.
Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân tới những bậc tiền bối đi trước đã truyền nghề lại cho lớp hậu thế.
"Ngày lễ giỗ Tổ nghề sân khấu hàng năm chính là ngày hội của những người nghệ sĩ dù đang hoạt động ở bất cứ bộ môn hay lĩnh vực nào của nghệ thuật.
Chính vì vậy, dù không phải là một tổ chức nhưng các nghệ sĩ Hà Nội vẫn gắn kết và tập hợp nhau để cùng thực hiện Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2017 trên tinh thần cầu thị, cởi mở và đoàn kết nhất", đạo diễn Nguyễn Việt Thanh nhấn mạnh.