Thông tin trên được công bố trong cuộc họp báo do Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen, tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Cụ thể, các nghệ sĩ trẻ Đan Mạch và Việt Nam sẽ tham gia biểu diễn ở Lễ hội Âm nhạc Gió mùa và Đêm Văn hóa Đan Mạch.
Ban nhạc Đan Mạch Saveus tham gia biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Gió mùa ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, tối 21/10. Ngoài việc đưa Saveus đến Việt Nam lần này, lễ hội cũng dành một phần biểu diễn riêng cho các nghệ sĩ trẻ mới nổi của Việt Nam lấy tên Chú vịt May mắn với cảm hứng từ chuyện cổ tích Đan Mạch.
Sau đó, Đêm Văn hóa Đan Mạch sẽ được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào ngày 25/10. Đêm nhạc do nghệ sĩ Quốc Trung làm đạo diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam như Lê Cát Trọng Lý, nhóm nhảy hip hop S.I.N.E. và các nhóm nghệ sĩ nước bạn như Saveus, UpperCut,...
Trong đó, mhóm vũ kịch Uppercut được biết đến với phong cách giao thoa giữa nhảy hiện đại đầy chất thơ, breakdance và kịch dí dỏm.Trong các sản phẩm của mình, nhóm thường tạo ra những dòng kịch nghệ và cao trào đầy mật thiết với thế hệ trẻ ngày nay. Năm 2009, nhóm đã phối hợp với S.I.N.E trong một số hoạt động.
Đại diện nhóm Uppercut, cô Stephanie Thomasen, cho biết điểm nhấn trong màn trình diễn giữa hai nghệ sĩ hai nước tới đây chính là sự trao đổi văn hóa cũng như các phong cách nhảy. Stephanie cho rằng nghệ thuật có vai trò quan trọng cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước vì với nghệ thuật hai bên dễ gần nhau hơn khi cùng chung niềm đam mê.
Trong khi đó, Phạm Khánh Linh, trưởng nhóm S.I.N.E., bày tỏ ấn tượng với sự thân thiết và hết mình của các nghệ sĩ Đan Mạch trong quá trình cùng hợp tác.
Nghệ sĩ trẻ hai nước chụp ảnh cùng Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Charlotte Laursen, trong buổi họp báo sáng 21/10. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch. |
Ngoài ra, từ ngày 19 đến 25/11, Tuần lễ Phim Đan Mạch sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM để giới thiệu nền công nghiệp phim đương đại của Đan Mạch với công chúng Việt Nam.
Đan Mạch là một trong những nước châu Âu đầu tiên công nhận Việt Nam vào năm 1971 và là một trong những nhà đóng góp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam từ năm 1993 với tổng giá trị 1.169 tỷ USD. Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch hiện nay là mối quan hệ đối tác trong tăng trưởng có chất lượng, tập trung vào đối thoại chính trị, các hoạt động thương mại.
Năm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Đan Mạch và Việt Nam được đánh dấu bằng nhiều hoạt động ở Hà Nội và TP.HCM.
Theo bà Charlotte, sự hiện diện của các doanh nghiệp Đan Mạch, của các nghệ sĩ Việt Nam và Đan Mạch tại cuộc họp báo sáng nay là bằng chứng cho sự cam kết của Đan Mạch trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước.