Nghề nuôi tôm hùm, cá bớp, hàu sữa ở vùng biển Sa Huỳnh
Thứ hai, 6/3/2017 09:12 (GMT+7)
09:12 6/3/2017
Tận dụng mặt nước tự nhiên vùng biển Sa Huỳnh, hàng chục hộ dân huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú, cá bớp, hàu sữa, thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Đầu năm 2012, tình cờ xem chương trình khuyến ngư trên truyền hình, ông Văn Công Thanh (ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) cảm thấy thích mô hình nuôi hàu sữa và tích góp vốn liếng, tìm hiểu kỹ thuật nuôi.
Quyết chí làm ăn, ông Thanh không quản ngại đường xa vào Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (RIA III, Khánh Hòa) học hỏi kỹ thuật, mua con giống hàu sữa Thái Bình Dương về nuôi thử nghiệm ở vùng cửa biển quê nhà. Thấy gia đình ngư dân này liên tiếp hai năm nuôi hàu sữa thu lãi hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ gia đình ở địa phương đổ xô nuôi hàu sữa vùng biển nơi đây.
Theo các ngư dân Sa Huỳnh, nuôi hàu là nghề có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, đỡ tốn công chăm sóc, ít rủi ro, lợi nhuận cao phù hợp với người dân vùng ven biển, hải đảo. Hàu sữa trưởng thành chủ yếu ăn thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, tảo có trong môi trường biển
Hàu sữa được treo trong lồng bè cách mặt nước khoảng 30 cm. Trung bình mỗi tuần, người nuôi vệ sinh cho hàu theo định kỳ, sửa chữa thiết bị nuôi, diệt cua, sao biển, ốc… Khâu này cũng là công đoạn quan trọng nhất để cho hàu chóng lớn. Hàu sữa thương phẩm đạt kích cỡ gần bằng nửa bàn tay (10 con cân đạt một kg) có thể xuất bán. Với giá 35.000 đồng mỗi kg, trung bình hàng năm mỗi gia đình nuôi hàu nơi đây xuất bán hàu sữa thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Không chỉ nuôi hàu sữa, khoảng 90 hộ ngư dân xã Phổ Thạnh còn đóng lồng, bè nuôi các loài cá mú, cá hồng, cá bớp và tôm hùm. Sau 12 đến 15 tháng nuôi, chủ lồng có thể xuất bán tôm hùm với cân nặng 1 kg đến gần 1,5 kg. "Theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg tôm hùm có giá từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng, có thời điểm các hộ dân nơi đây thu về mỗi vụ hơn 300 triệu đồng", ông Nguyễn Hạnh (ngụ xã Phổ Thạnh) thổ lộ.
Ông Đỗ Văn Được (ngụ xã Phổ Thạnh), cho hay vùng cửa biển Sa Huỳnh kín gió, dòng hải lưu liên tục chảy hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi nuôi trồng các loài thủy sản tổng hợp. "Lợi thế nuôi trồng thủy sản nơi đây là thức ăn vừa tươi lại vừa rẻ, gần vùng cửa biển, thu mua bà con được con giống khỏe từ tự nhiên nên các loài cá, tôm hùm phát triển tốt", ông Được nói.
Nguồn thức ăn tươi để nuôi cá bớp ở vùng biển Sa Huỳnh này dồi dào. Còn thức ăn cho tôm hùm nơi đây cũng phong phú gồm sò, cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai... Sau 10 tháng nuôi, mỗi con cá bớp có thể đạt từ 7 đến 9 kg, được bán với giá 120.000 đồng/kg trở lên, tuỳ thời điểm.
Theo ngư dân Sa Huỳnh, việc đa dạng hóa, nuôi trồng tổng hợp các loại thủy sản vừa phòng ngừa rủi ro thua lỗ vừa tạo thu nhập thường xuyên ổn định suốt năm cho mỗi gia đình nuôi nơi đây. Ông Nguyễn Nhành (ngụ xã Phổ Thạnh), chia sẻ mỗi gia đình phải chi ít nhất vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để đầu tư lồng bè, mua con giống tôm hùm, cá bớp, cá mú… Do đó, gia đình nào cũng làm lều túc trực để bảo vệ tài sản. Theo ông, vùng nuôi thủy sản ở vùng cửa biển Sa Huỳnh chỉ cách tuyến quốc lộ 1 khoảng 500 m lại gần sát đường giao thông nên thương lái về đây thu mua tôm hùm, các loài cá, hàu sữa tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho hay địa phương có khoảng 90 hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa biển Sa Huỳnh.
"Nhờ không ngừng học hỏi kỹ thuật, đa dạng hóa nuôi trồng các loại thủy sản nên hàng năm mỗi hộ ngư dân bán sản phẩm thu lãi từ 150 đến hơn 300 triệu đồng góp phần tạo bước phát triển đột phá cho làng chài nơi đây", ông Trinh nói.