Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề nuôi rắn hổ mang bành Tứ Xã trước nguy cơ khai tử

Cách nay chưa đầy chục năm, những người nuôi rắn ở Tứ Xã hầu như đều là triệu phú. Nhưng đến nay, nhiều hộ đã bỏ nghề vì lỗ nặng, những hộ còn nuôi cũng chỉ nuôi cầm chừng.

Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ từ lâu vốn được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi rắn hổ mang bành. Các nhà hàng, quán nhậu và những người sành rượu mỗi khi nhắc tới Tứ Xã đều không khỏi trầm trồ. Những năm trước đây, nghề nuôi rắn thực sự là một “cứu cánh” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vật nuôi tại địa phương.

Nhà nhà nuôi rắn, người người nuôi rắn, đã có không biết bao nhiêu mái nhà bề thế, khang trang mọc lên, đã xuất hiện nhiều đại gia xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng giờ đây, cái nghề mang lại doanh thu mỗi năm cả trăm tỷ đồng thuở nào lại đang đứng trước nguy cơ mai một.

Một thời đổi đời vì rắn

Để tìm hiểu những khó khăn mà người nuôi rắn nơi đây đang gặp phải, một ngày giữa tháng Giêng xuân Bính Thân, PV Báo Giao thông đã lặn lội về Tứ Xã. Dạo một vòng quanh xã, gặp những người dân từng gắn bó với nghề nuôi rắn gần 20 năm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hầu hết đều ngán ngẩm, âu sầu, lo lắng.

“Vốn là một làng nghề nuôi rắn có tiếng, với hàng trăm hộ tham gia nuôi, nhân giống, cung cấp thức ăn... Nhưng giờ đây, rất nhiều người đã bỏ nghề”, ông Lê Quang Sử, người đầu tiên đem rắn về nuôi tại xã Tứ Xã thở dài ngao ngán.  

nghe nuoi ran anh 1

Số rắn trong trại nhà ông Bùi Văn Phán đã giảm một nửa so với thời kỳ thịnh vượng. 

Dẫn chúng tôi tham quan trại rắn với quy mô khoảng 200 chuồng (mỗi chuồng nuôi một con rắn hổ mang bành), ông Sử cho biết, năm nay ông đã 64 tuổi và có hơn 20 năm trong nghề nuôi rắn. Ông nhớ ngày đầu tiên đem rắn về xã nuôi là năm 1996, cũng từ đó đã có biết bao chuyện buồn, vui xảy ra với gia đình ông.

“Không biết bao lần bị rắn cắn đau nhức tưởng chết, nhưng trót gắn bó với nghề nên tôi vẫn kiên trì. Giai đoạn thịnh vượng nhất là những năm 2000-2003, gia đình tôi nuôi đến gần 1.000 con rắn, lợi nhuận mỗi năm thu về cả tỷ đồng”, ông Sử kể.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Tứ Xã, hiện trong xã còn khoảng 200 hộ nuôi rắn nhưng số lượng rắn trong từng hộ giảm đi rất nhiều, bình quân khoảng 200 con một hộ. Nhiều hộ đã bỏ hẳn nghề, một số vì tiếc cái nghề đã từng nuôi sống mình mà cố giữ chờ thời thế thay đổi.

“Chỉ mong Nhà nước có chính sách để hỗ trợ bà con vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, có những chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn cách nuôi rắn sao cho có năng suất cao. Bây giờ giá cả thấp như vậy rồi thì chỉ còn cách giảm chi phí đầu vào thôi”, ông Thủy nói.

Ông Bùi Văn Phán, một người có thâm niên trong nghề cũng cho biết, trước đây trại rắn nhà ông thường xuyên nuôi 300-400 con rắn thịt. Thời điểm phát triển, có năm ông xuất trên tạ thịt rắn, số tiền tích cóp từ nghề nuôi rắn cũng đủ xây một căn nhà 2 tầng khang trang như hiện nay. Nhưng vài năm trở lại đây, số rắn trong trại đã giảm tới một nửa.

“Với tình trạng giá cả như hiện nay, gia đình tôi không dám mạo hiểm, chỉ nuôi một số lượng ít cầm chừng, gọi là cho có, lãi lời cũng chẳng được bao, thậm chí còn lỗ”, ông Phán cho hay.

Nghề mai một dần

Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND xã phụ trách về kinh tế không giấu được hồ hởi khi kể về những năm tháng “hào quang” của nghề nuôi rắn trong xã và lại đượm buồn khi kể về thực tại hôm nay. Ông Thủy cho biết, nghề nuôi rắn ở đây bắt đầu hình thành từ năm 1996, thoạt đầu chỉ là vài hộ nuôi rồi truyền lại kinh nghiệm cho nhau. Khi nhìn ra những lợi ích về kinh tế thì người này truyền cho người kia, cuối cùng thì cả làng cùng nuôi rắn.

Theo ông Thủy, thời kỳ “hoàng kim” nhất của nghề rắn Tứ Xã là những năm 2000-2004, khi ấy toàn xã có khoảng 250 hộ theo nghề, người ít cũng có khoảng 200 chuồng, người nhiều thì đến vài nghìn con. “Khi ấy mỗi hộ chỉ cần bỏ ra khoảng 200 triệu đồng, sau một năm trừ hết chi phí vẫn có thể thu về khoảng 400 triệu đồng tiền lãi, người dân nơi đây đổi đời vì rắn”, ông Thủy cho biết.

Khi được hỏi về những khó khăn mà người nuôi rắn đang gặp phải, ông Thủy cho biết, phần lớn sản lượng rắn nơi đây đều bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc. “Cách đây mấy năm họ mua với giá 1,2 triệu/kg, giờ đây họ chỉ thu mua với giá 400.000 đồng/kg, trong khi đó giá rắn giống đầu vào thì không hề giảm, nên hộ nào nuôi khéo thì hàng năm có chút lãi còn không thì có thể lỗ. “Trớ trêu ở chỗ, sau những năm tháng thành công, số hộ dân nuôi rắn tăng đột biến, đến lúc này thì giá rắn lại rẻ, đầu ra khó khăn”, ông Thủy giãi bày.

Tỷ phú rắn miền sơn cước

Gần 20 năm gắn bó, khối tài sản tiền tỷ của gia đình anh Phan Đình Hòa (Tân Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nằm trong chính những hầm nuôi rắn.


http://www.baogiaothong.vn/nghe-nuoi-ran-ho-mang-banh-tu-xa-truoc-nguy-co-khai-tu-d140593.html

Theo Văn Thi/Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm