Nhà phê bình công tâm
Có người nói: Nghề văn là một công việc đặc biệt, tỉnh quá không viết được, mê quá cũng không viết được, phải nửa mê nửa tỉnh. Viết thực quá cũng hỏng mà bịa đặt hư cấu quá cũng hỏng. Ai đam mê cái nghề vừa khó vừa khổ như vậy mà tìm được bạn đồng hành, để sẻ chia, thấu hiểu quả là may mắn. Có lẽ, Nguyễn Chu Nhạc là chính là nhân tố may mắn ấy đối với những người bạn văn của ông.
Trong Đồng hành cùng bạn văn, Nguyễn Chu Nhạc không chỉ là bạn, là độc giả mà còn là nhà phê bình công tâm đối với các tác giả và tác phẩm mà ông yêu thích. Từ góc nhìn của ông, chúng ta như được mở ra những khung cảnh mới lạ khi ngẫm nghĩ về một số sáng tác ghi dấu ấn sâu đậm trong làng văn Việt Nam. Đồng thời, cũng hiểu thêm đời sống nội tâm của nhiều tác giả.
Lợi thế của Nguyễn Chu Nhạc khi đặt bút viết cuốn tiểu luận và chân dung văn học này chính là việc ông thực sự là người bạn đồng hành với các nhân vật và tác phẩm. Hơn nữa, có cảm giác nhà văn bung hết kỹ năng của mình, khiến mỗi trang viết đều gây ấn tượng mạnh.
Viết về Tiến sĩ luật, nhà thơ, nhà báo Phạm Công Trứ, tác giả thỏa sức cho ngòi bút bay nhảy theo từng nhịp điệu cảm xúc sinh động mà ông nghĩ về nhân vật, đến nỗi người đọc ngỡ mình đang được thưởng thức một tiểu phẩm trên sân khấu, chứ không phải đang đọc một bài tiểu luận.
Không rõ, Nguyễn Chu Nhạc đắm đuối với Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa tới mức nào mà trong cuốn Đồng hành cùng bạn văn, ông dành đến 34 trang kể “chuyện ngoài truyện” về tác phẩm này. Rất nhiều người biết cuốn sách ghi lại những câu chuyện về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành một hiện tượng, với số bản sách bán chạy kỷ lục ngay khi phát hành. Nhưng ở bài viết của mình, Nguyễn Chu Nhạc dẫn dụ họ vào ngóc ngách rất độc và lạ: “Những chuyện tôi kể sau đây, bắt đầu từ một trang mạng xã hội, Blog Tiếng Việt vào đầu năm 2011...”.
Với góc nhìn đa dạng đến mức hiếm ai có thể đoán định Nguyễn Chu Nhạc, cùng với Đảo chìm sẽ dẫn mình đi đến đâu, cuối cùng ông gói gọn tất cả trong một câu sắc nét: “Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lớn Lê Lựu, một người rất khó tính về nghề, cho rằng Đảo chìm là Thần bút. Còn tôi coi đó là một kiệt tác...”.
Cái hay của Nguyễn Chu Nhạc khi viết tiểu luận và chân dung văn học chính là sự phát hiện độc đáo ở mỗi tác giả và tác phẩm mà ông đề cập. Chẳng hạn như khi viết về nhà thơ Lê Đình Cánh, người đọc chắc chắn bị thu hút với cái sự “tủm tỉm” mà Nguyễn Chu Nhạc nhắc đến. Nhờ đó biết thêm một nét tính cách đáng học hỏi của nhà thơ Lê Đình Cánh. Rồi cũng có khi độc giả tủm tỉm thực sự với dòng title lãng đãng khi Nguyễn Chu Nhạc viết về nhà thơ Đồng Đức Bốn - Người cả đời mải mê đuổi một con diều...
Chất đồng dao trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến cũng là một phát hiện khá đắt của Nguyễn Chu Nhạc. Thậm chí, ông khẳng định, chính chất đồng dao trong thơ của tác giả Bà tôi là nền tảng, hồn cốt làm nên chất dân gian đương đại trong âm nhạc của anh: “Thơ trong nhạc, nhạc trong thơ. Dòng chảy ấy trở nên cồn cào và độc đáo”.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - ngôi sao sáng của văn học Việt Nam, Nguyễn Chu Nhạc phát hiện ông hay tự mâu thuẫn với chính bản thân. Song đó là lý do khi đọc truyện của ông, đọc đến đâu “cuốn” đến đó rồi cứ thế sa vào “bẫy” của người viết lúc nào không hay.
Người bạn sẻ chia thân tình
Đồng hành cùng bạn văn - đúng như cái tựa của nó còn là những câu chuyện đầy cảm xúc. Tác giả nhắc đến cảm giác “thèm viết” của nhà văn Thái Sinh trong thời gian ông chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Chân dung nhà văn Thái Sinh cùng khát vọng văn chương và sự dấn thân với nghề được tái hiện trên trang sách của Nguyễn Chu Nhạc khiến người đọc nghẹn lòng.
Đồng hành cùng bạn văn - tiểu luận và chân dung văn học được ấn hành bởi Nhà xuất bản Lao Động. |
Ở những trang cuối, Nguyễn Chu Nhạc dành không gian cho một số tác giả và tác phẩm nước ngoài. Bằng niềm đam mê khai phá cùng vốn kiến thức sâu rộng, ông cho chúng ta thấy góc nhìn mới mẻ và đa chiều. Ngay cả với nhà văn Kim Dung, người sở hữu các tác phẩm võ hiệp mà nhiều nhà nghiên cứu chỉ xếp vào dạng “cận văn học”, Nguyễn Chu Nhạc cũng bày tỏ góc nhìn riêng đáng ghi nhận.
Tác giả kết thúc cuốn sách bằng đoạn hội thoại với nhà thơ Trần Đăng Khoa, theo cách không thể hấp dẫn hơn: “Tôi hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa có biết hiện tại sách của tác giả nào được ấn hành nhiều nhất trên thế giới không thì ông bảo không biết. Tôi bảo truyện kiếm hiệp của Kim Dung, với hơn 300 triệu bản in trên toàn cầu... Trần Đăng Khoa tròn mắt: Thế á! Tôi đùa, việc ông coi truyện kiếm hiệp của Kim Dung không phải là sách văn học. Ông cười, hỏi: ‘Thế truyện của Kim Dung có hấp dẫn không?’. Tôi bảo: ‘Rất hấp dẫn’. Trần Đăng Khoa toét miệng cười: ‘Vậy là được rồi... Là văn học hay không, đâu có còn quan trọng nữa!’”.
Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc không chỉ tôn vinh các tác giả, tác phẩm mà dường như ông còn viết để bày tỏ nỗi nhớ và tri ân những người bạn, người đàn anh thân thiết, người thày về báo chí, văn chương đáng kính của mình: “Giờ thì tôi hiểu, sau hơn bốn mươi năm cầm bút, tôi mạnh nhất ở thể loại nào. Phải chăng, đó là tản văn, là chân dung - tiểu luận và phê bình văn học?...”.
Thưởng thức hơn 200 trang Đồng hành cùng bạn văn, số đông có lẽ đồng ý rằng viết tiểu luận và chân dung văn học mà hóm hỉnh, hấp dẫn như đang chuyện trò trực tiếp với độc giả, thế mới là Nguyễn Chu Nhạc.