Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tất bật trong xưởng vẽ để kịp giao sản phẩm cho khách hàng. |
Tết năm nay, sản phẩm có hình con chuột được khách hàng ưa chuộng. Theo ông Quả, bức tranh chuột vinh quy và chuột múa rồng được yêu thích hơn cả. "Người xưa dùng hình tượng chuột để nói về cuộc sống con người. Qua đó tôn vinh nét đẹp, châm biếm những thói xấu trong lề lối phong kiến cũ", ông Quả nói. |
Một bức tranh đám cưới chuột hoàn chỉnh. |
Tranh Đông Hồ in trên ván gỗ, ván in tranh có 2 loạt, ván in nét và ván in màu, được làm từ gỗ thị. |
Gỗ thị mềm, dễ khắc. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Quá trình khắc đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ. |
Nghệ nhân mất khoảng 1 tuần cho một tấm ván. "Tranh in mộc bản của làng Đông Hồ làm rất nhiều du khách quốc tế thích thú", ông Quả nói. |
Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp. Vỏ sò, điệp được nghệ nhân làm giấy nghiền nát rồi trộn với hồ nấu từ bột gạo nếp. Sau đó, họ tiếp tục dùng lá thông quét hỗn hợp này lên mặt giấy. Quá trình này tạo nên màu trắng tự nhiên pha với ánh lấp lánh, đặc trưng của giấy làm tranh Đông Hồ. Ấn tượng với chất giấy này, thi sĩ Hoàng Cầm từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. |
Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên. Màu đen lấy từ than lá tre được ngâm kĩ trong chum vài tháng, màu xanh lấy từ lá chàm, màu vàng lấy từ hoa dành dành, màu đỏ lấy từ sỏi son. |
Với những bức nhiều chi tiết, cần cầu kỳ trong phối màu hoặc kích thước lớn, nghệ nhân phải tô màu thủ công. Năm nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả dự định sẽ mở xưởng tranh xuyên Tết để vừa bán tranh, vừa phục vụ người dân và du khách đến thăm một nét văn hoá của dân gian nhân dịp xuân về. |
Làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Google Maps. |