Thế giới
Nghề làm vàng mã ở Malaysia 'vào mùa' xá tội vong nhân
- Thứ hai, 12/8/2019 15:45 (GMT+7)
- 15:45 12/8/2019
Các thợ thủ công ở Malaysia đang làm việc ngày đêm để đáp ứng nhu cầu vàng mã tăng cao dịp lễ xá tội vong nhân, trong đó có nhiều người trẻ đam mê muốn tiếp nối nghề gia truyền.
|
Với con dao nhỏ trong tay, Lee Teik Joo, 25 tuổi, khéo léo cắt ngắn những thanh tre và trải chúng ra sàn nhà. "Tôi quen với việc bị dằm gỗ đâm vào ngón tay rồi", Lee nói với Channel News Asia. Xung quanh anh là hàng loạt hình nộm bằng giấy đang được gấp rút hoàn thành theo đơn đặt hàng.
|
|
Lee đang dựng mô hình của một ngôi biệt thự giấy cho đám tang. Bắt đầu làm vàng mã từ 6 năm trước, Lee là người trẻ hiếm hoi trong nghề. Anh kể từng gõ cửa nhà bậc thầy nghề vàng mã Koh Beng Hock để xin việc, nhưng bị từ chối. "Vài giờ sau, tôi quay trở lại và ông ấy đồng ý cho tôi vào. Vào tháng sau, tôi trở thành học trò của ông ấy", Lee nói. |
|
Ông Koh, 63 tuổi, đã dạy cho Lee tất cả những gì ông biết về nghề làm vàng mã. Khác với những nhà làm vàng mã khác không có người truyền nghề, ông Koh có con trai lớn Koh Eng Keat và anh Lee tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình ông. "Đây là tôi khi còn trẻ", ông Koh nói và chỉ vào anh Lee với một chút tự hào. |
|
Ông Koh lần đầu làm vàng mã khi còn là một thiếu niên. Khi đó, đây là công việc làm thêm ngoài giờ học của ông. "Để trở thành thợ vàng mã, bạn cần phải chăm chỉ và kiên nhẫn, chú ý đến từng chi tiết. Năng khiếu và mắt thẩm mỹ nghệ thuật cũng là điều cần thiết. Không phải ai cũng làm được công việc này", ông nói. Học trò họ Lee của ông Koh có tất cả những phẩm chất này. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ và chăm chú làm việc với bó que tre, Lee cho biết bài học quan trọng nhất anh học được từ ông Koh là cần phải linh hoạt và sáng tạo. |
|
Theo truyền thống của người Hoa, đốt vàng mã là việc gửi những vật phẩm đến cho người quá cố. Tiền vàng, quần áo và các vật dụng thường ngày bằng giấy, thậm chí cả nhà cửa, xe hơi giấy, thường được sử dụng trong đám tang, ngày giỗ, và đặc biệt là Lễ Thanh Minh (ngày tảo mộ theo phong tục của người Hoa). |
|
Năm nay, lễ xá tội vong nhân của Trung Quốc diễn ra vào ngày 14/8. Theo quan niệm của người Trung Quốc, đây là thời điểm cửa địa ngục mở ra và các linh hồn bắt đầu đi lang thang vào thế giới loài người. "Đốt vàng mã là một phần của văn hóa Trung Quốc. Nếu có những người trẻ sẵn sàng học hỏi và tiếp quản, nghề này vẫn sẽ tồn tại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có một chàng trai trẻ điên khùng hét lên là muốn theo nghề này", Lee nói.
|
|
Vào dịp lễ xá tội vong nhân, có rất nhiều đơn đặt hàng hình nộm "da shi ye" (đại sĩ giả, vị thần chuyên hàng phục ma quỷ theo tín ngưỡng của người Trung Quốc) cùng với bốn thuộc hạ. Đối với xưởng vàng mã của ông Koh, đơn đặt hàng "da shi ye" chủ yếu đến từ quần đảo Langkawi và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Mỗi hình nộm cần hai tuần để hoàn thiện, từ khâu dựng khung cho tới những chi tiết cuối cùng. |
|
"Tùy theo yêu cầu của khách hàng, gương mặt của 'da shi ye' có thể là màu xanh lá, đỏ, xanh da trời, trắng hoặc đen. Công đoạn tốn thời gian nhất là ghép các chi tiết và chỉnh sửa. Ví dụ, cổ áo của 'da shi ye' có đến ba lớp được ghép từ 6 mảnh giấy khác nhau", anh Lee giải thích. Có hình nộm "da shi ye" cao đến vài mét và được làm rất công phu. Tuy nhiên, cuối cùng, những sản phẩm thủ công này đều bị đốt thành tro. Dù vậy, anh Lee nói các thợ vàng mã vẫn rất trân trọng và chăm chút cho các tác phẩm. |
Hương Ly
Ảnh: Channel News Asia
nghề làm vàng mã
Trung Quốc
vàng mã
người chết
nghề gia truyền
thủ công