Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề đóng giả người yêu trong ngày Tết

Với 50 SGD (37 USD)/ngày, Wayne Chia có thể chở người lạ đi khắp nơi, chơi mạt chược với gia đình của họ và bóc tôm giúp đối phương, theo Insider.

Đóng giả làm bạn trai nếu "khách hàng" muốn tránh những câu hỏi gây khó chịu từ họ hàng trong các buổi họp mặt gia đình dịp Tết Nguyên đán như "Tại sao vẫn độc thân?", "Có người yêu chưa?".

Chàng trai Singapore không phải người duy nhất tự quảng cáo và cho thuê chính mình trong mùa Tết năm nay. Xuất phát từ Trung Quốc, trong những năm gần đây, dịch vụ cho thuê người yêu, kết hôn giả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Á.

nghe dong gia nguoi yeu anh 1

Wayne Chia tự quảng cáo và cho thuê chính mình trong dịp Tết. Ảnh: Wayne Chia.

Mức giá của một buổi ra mắt

Trong đoạn video hiện thu hút hơn 230.000 lượt xem, Chia liệt kê tất cả những việc anh sẽ làm khi đóng giả người yêu từ nấu, đút thức ăn cho đến đối phó với "những người luôn làm phiền bạn".

Nhiếp ảnh gia tự do cho biết anh đã nhận được hàng chục tin nhắn hỏi về dịch vụ sau khi đăng clip.

"Tôi thức dậy và tất cả những người này nhắn tin cho tôi để nói rằng họ quan tâm và liệu tôi có rảnh không. Một số nói rằng năm nay họ không ở thị trấn nên đề nghị tôi tiếp tục cung cấp dịch vụ vào năm sau để đặt trước.

Tôi tin rằng mình có gì đó cuốn hút. Là một nhiếp ảnh gia, tôi có thể giúp mọi người chụp ảnh trang phục mỗi ngày".

Tài khoản TikTok tên @f0xypony được cho là nơi khởi đầu xu hướng cho thuê chính mình trong dịp Tết tại Singapore. Người này cho biết cô sẽ đến nhà một người lạ mặt với giá 288 SGD (213 USD) và nấu bữa tối cho "khách hàng" với mức phí 188 SGD (140 USD).

nghe dong gia nguoi yeu anh 2

Sherry Lee xóa video sau khi nhận được quá nhiều tin nhắn yêu cầu. Ảnh: Sherry Lee.

Sherry Lee, 23 tuổi, cũng đăng tin cho thuê chính mình trong dịp Valentine sắp tới với giá khởi điểm là 80 SGD (60 USD). Cô gái này nói rằng tất cả bạn bè của mình đều làm việc này.

"Những câu hỏi về đời sống tình cảm rất phổ biến trong giai đoạn này, vì vậy tôi chỉ nghĩ rằng đây là một meme hài hước".

Lee không ngờ mọi người thực sự quan tâm và liên tục nhắn tin để "thuê cô". Đoạn video có sức hút đến mức cuối cùng cô đã phải ẩn nó đi.

"Mọi người tải video của tôi và bắt đầu chia sẻ nó trên các nền tảng khác mà không có sự đồng ý của tôi, chẳng hạn như trên Telegram", Lee cho hay.

Thái độ của Gen Z

Theo Insider, xu hướng cho thuê chính mình nêu bật áp lực mà người trẻ phải đối mặt trong dịp Tết Nguyên đán. Những câu hỏi xoay quanh chuyện tình cảm, công việc của người lớn tuổi trong gia đình khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.

"Tôi nghĩ rằng video lan truyền nhanh chóng vì mọi người thực sự quan tâm đến nó. Tất cả chúng ta đều đã phải đối mặt với những câu hỏi này. Chúng là một phần tất yếu của ngày Tết", nhiếp ảnh gia Wayne Chia nói.

Chuyên gia xã hội học Mu Zheng của Đại học Quốc gia Singapore nói rằng áp lực đến từ sự xung đột về kỳ vọng giữa "chủ nghĩa cá nhân hiện đại" trong giới trẻ và "chủ nghĩa gia đình truyền thống" của những người đi trước.

"Mặc dù nhiều người trẻ có thể tự do sống cuộc sống mà họ lựa chọn khi ở xa gia đình, nhưng họ khó tránh khỏi những câu hỏi của người thân về các mối quan hệ khi đoàn tụ ngày Tết.

Khi hôn nhân là một tiêu chuẩn cố định, việc nhiều người trẻ sống độc thân có thể khiến họ trở thành tâm điểm trong các cuộc tụ họp gia đình. Điều này gây phiền toái, xấu hổ và khó chịu".

nghe dong gia nguoi yeu anh 3

Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy khó chịu khi thường xuyên nghe những câu hỏi về cuộc sống riêng tư ngày Tết. Ảnh: Global Times.

Các câu hỏi như "Khi nào kết hôn?" hay "Lương tháng bao nhiêu?" cũng rất phổ biến ở Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán.

Để đối phó với sự tò mò, quan tâm thái quá từ họ hàng, người trẻ Trung Quốc cũng từng tìm đến dịch vụ thuê người về nhà ra mắt. Tuy nhiên, những năm gần đây, Gen Z của đất nước tỷ dân có cách đối phó trực diện hơn.

Một chiếc áo len được sản xuất đặc biệt đã lan truyền và nhận được hơn 10.000 lượt đặt mua trên thị trường trực tuyến Taobao. Những câu trả lời như "Lương là tuyệt mật", "Vẫn còn độc thân", "Đừng hỏi về kỳ thi, điểm số của tôi" được in sẵn trên áo.

Nhiều người trẻ nói rằng đây chính là "chiếc áo len trong mơ" của họ khi về quê ăn Tết cùng gia đình.

Theo Global Times, chiếc áo len phản ánh khoảng cách thế hệ đang gia tăng ở Trung Quốc.

"Gen Z và những người lớn tuổi nên cố gắng hiểu nhau, giao tiếp một cách thoải mái hơn. Nếu làm được điều đó thì có lẽ giới trẻ Trung Quốc sẽ không còn cần đến một chiếc áo như vậy nữa", tờ báo nhận định.

Cách trả lời câu hỏi 'Bao giờ cưới', 'Còn độc thân không'

Các câu hỏi tập trung vào chuyện cá nhân dù đến từ sự quan tâm hay tọc mạch đều có thể khiến người được hỏi rơi vào khó xử, bế tắc.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm