Anh em cảnh sát biển hay đùa với nhau rằng, các anh có hai phi vụ chính cần phải hoàn thành. Một là đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển đảo tổ quốc. Hai là… cưới một cô vợ hiền. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng và gian nan. Nhưng với các anh, chinh phục nhiệm vụ đơn vị giao cho còn dễ dàng hơn… chinh phục một cô gái.
Thuyền trưởng - thượng úy Lê Phương (bìa phải) trên con tàu 4034. |
Khi thuyền là nhà
Người thuyền trưởng (thuộc vùng cảnh sát biển 3), thượng úy Lê Phương luôn bắt đầu câu chuyện bằng cụm từ quen thuộc: “Dạ! báo cáo với chị…”. Kể cả khi câu chuyện đã trở nên thân mật, anh vẫn quen miệng “báo cáo chị”. Vẻ nguyên tắc đến đáng yêu, đầy chất lính của anh không thoát ra khỏi một tình huống đời thường, ngay cả trong một buổi sáng đẹp trời, biển Vũng Tàu êm ả như hôm nay .
Tốt nghiệp Đại học Hàng Hải, Lê Phương nhận nhiệm vụ tại vùng Cảnh sát biển 3 từ năm 2009. Gần 4 năm lênh đênh trên biển, với anh, con thuyền đã trở nên thân thiết như ngôi nhà của mình. “Vào những ngày biển êm, công việc diễn ra rất nhẹ nhàng.
Con tàu 4034 của Vùng Cảnh sát biển 3. |
Nhưng với những ngày sóng lớn, nhất là những tháng giáp tết, dù được tập luyện và quen với sóng gió đến mấy cũng có một vài anh em lao đao vì say sóng. Sóng mạnh, con thuyền nhiều lúc chao đảo dữ dội, đang ăn cơm mà bát đĩa trên mâm cơm cứ nảy lên, nảy xuống loạn xạ, kêu lách cách. Đĩa rau úp vào tô canh, tối ngủ bị hất văng khỏi giường là chuyện bình thường. Có khi sáng dậy thấy mình đang nằm dưới sàn” - Phương chia sẻ.
Có những lần, anh và đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đang thăm dò dầu khí với 62 ngày đêm trên biển, ăn uống, ngủ nghỉ, mọi hoạt động đời thường đều diễn ra trên thuyền: “Đất liền trở nên xa vời vợi. Cho nên điều tuyệt vời nhất trong những ngày lênh đênh trên biển là được gặp ngư dân Việt Nam, được tận tay chia cho ngư dân những lít nước ngọt, những bó rau xanh.
Đôi khi nhiệm vụ không hẳn phải lớn lao quá. Chia sẻ với ngư dân những thứ họ cần đã cảm thấy vui lắm rồi. Kiểu như “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bởi vậy, cũng có lúc họ lên tận thuyền chỉ để cho lại mình nải chuối. Giữa biển cả mênh mông, một ít rau, ít nước ngọt, nải chuối chín lại tạo nên cái tình, cái nghĩa”.
Con người cứng rắn và nguyên tắc như anh Lê Phương cũng có lúc chép miệng bảo rằng - Sống giữa biển cả mênh mông, con người trở nên hữu hạn, nhỏ bé vô cùng. Những đêm trăng sáng, biển lấp loáng và như rộng thêm ra, đứng trên mũi thuyền, giữa vùng biển tổ quốc, anh cảm nhận một sự thiêng liêng nằm đâu đó: “Tổ quốc, con tàu và người thuyền trưởng - Câu thơ ấy kể rằng, khi bước chân lên tàu thì nhiệm vụ với tổ quốc phải đặt lên hàng đầu, sau đó là đồng đội trên con tàu thân yêu. Và người thuyền trưởng đứng mũi chịu sào cũng phải gắn kết anh em lại với nhau như thành viên một gia đình.
Bắt cướp trên biển
Kể về phi vụ bắt 11 tên cướp biển người nước ngoài cướp tàu MT-ZAFIRAH mang quốc tịch Malaysia (một con tàu có trọng tải lớn) vào cuối năm 2012 cùng với đồng đội, anh lại “báo cáo chị, tình hình là…”
Đang trực chiến trên biển thì đội của anh nhận được tin báo từ bộ chỉ huy vùng cảnh sát biển 3 - có một vụ cướp biển tại vùng biển Vũng Tàu. Nạn nhân là 9 thuyền viên đang làm nhiệm vụ trên tàu MT-ZAFIRAH mang quốc tịch Malaysia. Các thuyền viên bị nhóm cướp biển người nước ngoài khống chế cướp tàu và ném xuống biển. Họ đã may mắn đươc ngư dân Việt Nam cứu thoát và báo tin cho vùng cảnh sát biển 3.
Con tàu MT-ZAFIRAH đã bị nhóm cướp biển thay tên, thay cờ và những thông số nhận dạng khác. Lúc này, muốn nhận dạng con tàu cướp biển, đội cảnh sát biển chỉ còn có thể dựa vào kích thước, màu sơn và bằng nghiệp vụ để phát hiện những dấu hiệu khả nghi.
Hoạt động tuần tra của lực lượng cảnh sát biển. |
Vào thời điểm đó, Phương đang giữ vị trí thuyền phó tàu 4031. Phương cho biết, anh cùng đồng đội trên con tàu 4031 chỉ có vài chục phút để chuẩn bị mọi thứ từ lương thực, nước uống dự trữ.
Sau hơn 7 giờ đồng hồ hành quân trên biển, giữa màn đêm đen đặc, các anh xác định được một con tàu lạ với những thông số đáng ngờ, kích thước và màu sơn khớp với những dấu hiệu do bộ chỉ huy thông báo :“Anh em xác định được những dấu hiệu khả nghi đó như tên tàu viết trên thân với nét chữ không đều và không đúng vị trí với tiêu chuẩn quốc tế. Khi gọi lên kiểm tra thì những người trên tàu có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Trong 3 lần kiểm tra, đối tượng đều trả lời với những thông số khác nhau” - Phương kể.
Xác định đối tượng nghi vấn cao, đội cảnh sát biển đã báo về vùng chỉ đạo thêm 2 con tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển quay về phối hợp cùng tàu 4031 để áp sát tàu lạ. Từ đất liền, chỉ huy đội cảnh sát biển 3 cũng điều thêm một con tàu chở những thuyền viên - nạn nhân của vụ cướp ra vị trí để xác minh có đúng con tàu kia là tàu MT-ZAFIRAH đã bị cướp hay không.
Cả đêm ấy, trong lúc chờ đợi con tàu từ đất liền, những cảnh sát biển trên 3 con tàu thức trắng canh gác, giữ khoảng cách với tàu lạ, anh giải thích: “Trên con tàu MT-ZAFIRAH đang chở hơn 300 tấn xăng, nếu đội cảnh sát manh động, rất có thể bọn cướp biển sẽ tính đến việc hủy tàu, gây nguy cơ cháy nổ. Cho nên anh em trong đội phải canh từng hành động của đối tượng”.
Khi thuyền trưởng đã xác nhận đối tượng là con tàu MT-ZAFIRAH bị cướp, đội cảnh sát biển thông báo, yêu cầu nhóm người trên tàu thả neo. Nhưng đám cướp biển lại tăng tốc, liều lĩnh cho con tàu lao vù vù trong đêm. Lập tức, 4 con tàu của vùng cảnh sát biển tăng tốc, áp sát tứ phía bọn cướp biển. Thấy tình thế căng thẳng, thuyền trưởng tàu 4031 phải ra lệnh bắn cảnh cáo vào ca-bin con tàu. Lúc này, 11 tên cướp biển mới chịu thả neo, đầu hàng.
Phi vụ “mềm”
Chúng tôi tạm gọi nhiệm vụ yên bề gia thất của anh em cảnh sát biển là “phi vụ mềm”. Bởi lẽ, tình yêu của các anh cũng có lúc chênh vênh như những con sóng mà hằng ngày các anh phải đối mặt. Chinh phục những con sóng ấy nhiều khi gay cấn như thực hiện một phi vụ vậy.
Phương - người thuyền trưởng cứng rắn, ít bộc lộ cảm xúc là vậy nhưng khi nhắc đến người yêu, ánh mắt anh trở nên long lanh, hãnh diện và đầy hạnh phúc. Anh mỉm cười “lại sắp đến ngày cưới rồi”. Nói “lại sắp đến” nghe thật hiểu lầm, có vẻ như anh đã cưới ai đó rồi vậy. Anh giải thích, vì lần trước, hai gia đình đã xem ngày và chuẩn bị tất cả cho lễ cưới cho hai đứa, nhưng vào thời điểm đó, anh phải nhận nhiệm vụ đột xuất. Đám cưới phải hoãn lại. Lần này, chắc chắn anh sẽ không được để lỡ cưới nữa.
Anh tự nhận mình thật may mắn vì người yêu hết lòng bao dung, thông cảm, kiên nhẫn chờ đợi anh suốt 6 năm trời yêu nhau trong xa cách. Chị cũng chẳng nỡ giận lâu khi hai đứa lỡ cưới vì anh nhận nhiệm vụ đột xuất. Xa từ khi hai đứa học khác trường Đại học đến khi anh rời quê tận miền Bắc vào Vũng Tàu công tác: “Yêu lính biển thì thiệt thòi lắm, những ngày lễ, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm mình chẳng thể nào ở bên người yêu được.
Một năm hai đứa chỉ được gặp nhau hai lần. Mới đây, cô ấy chuyển công tác vào Vũng Tàu, hai đứa mới gặp nhau thường xuyên hơn. Mình mới có cơ hội bù đắp phần nào cho cô ấy”.
“Nổi tiếng” trong cả đơn vị vì tình duyên lận đận, đại úy Phan Xuân Trường - máy trưởng, trưởng ngành cơ điện trên thuyền - nở nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Lý do là anh vừa hoàn thành “phi vụ mềm”, vừa mang về cho mẹ một nàng dâu như ý khi đã ngoài 30 tuổi, sau hai lần lỡ cưới: “Yêu không gặp nhau đã đành, nhưng đố cô gái nào chịu được người yêu cả tháng trời không nhắn tin, gọi điện thăm hỏi.
Bởi nhiều khi trên thuyền không có sóng điện thoại, cả tháng không thể liên lạc về nhà. Chẳng biết tung tích mình ra sao, cô ấy hờn dỗi là nhẹ, nặng thì nghĩ mình lăng nhăng. Cô gái nào chẳng muốn được quan tâm, yêu thương thật nhiều. Đàng này… Mình hiểu mà, cảm giác ấy khó chịu lắm. Với tôi, từ việc yêu và cưới cũng đều phải nhờ gia đình sắp xếp. Tôi chỉ có nhiệm vụ phải về nhà đúng ngày cưới. Thế nhưng, đến ngày gia đình định tổ chức lễ cưới thì đều trúng ngày tôi nhận nhiệm vụ đột xuất. Buồn thì buồn thật đấy nhưng nhiệm vụ nào quan trọng hơn thì phải ưu tiên thôi”.
“Anh cười hiền: “Có lẽ thế! Những cô gái phải thật dũng cảm mới dám yêu và dám lấy cảnh sát biển”.
Vùng Cảnh sát biển 3 có phạm vi hoạt động từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh). Từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng vùng Cảnh Sát Biển 3 đã tổ chức hơn 43 lượt tuần tra kiểm soát thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đã xử lý 258 tàu vi phạm, đuổi hàng trăm tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền nước ta; lực lượng cảnh sát biển vùng cảnh sát biển 3 còn tham gia bảo vệ các tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí trên biển. Chiến công bắt 11 tên cướp biển người nước ngoài cướp tàu MT - ZAFIRAH của vùng cảnh sát biển 3, vào cuối năm 2012 được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tội phạm cướp biển.