Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề bắt rắn biển với nọc độc chết người

Người dân sinh sống tại Vịnh Thái Lan sử dụng tay, chân trần trong suốt quá trình khai thác, phân loại và buôn bán loài rắn biển với lượng nọc độc đủ để gây chết người.

Mỗi tháng, ngư dân Vịnh Thái Lan đều đang mạo hiểm mạng sống của họ trong mùa thu hoạch rắn biển độc, BBC đưa tin. Công việc này mang tới sự nguy hiểm cho cả hai bên bởi ngư dân có thể bị trúng độc rắn còn đối với rắn biển, số lượng loài này đang giảm mạnh sau mỗi mùa thu hoạch. Các nhà khoa học đang kêu gọi mở một chương trình giám sát để đánh giá tác động của việc khai thác và buôn bán rắn biển dẫn tới số lượng loài này suy giảm mạnh và ảnh hưởng của sự suy giảm đó tới hệ sinh thái của Vịnh Thái Lan.

Theo báo cáo trong tạp chí Bảo tồn sinh học, ngư dân nhận thấy số lượng loài rắn biển sụt giảm từ năm 2009. Các nhà nghiên cứu hiện nay muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do việc đánh bắt quá mức hay những yếu tố khác, trong đó có ô nhiễm môi trường. Ngư dân dùng lưới và lưỡi câu để thu hoạch mực cùng hàng trăm con rắn biển, loài mà nọc độc có thể gây chết người. Mọi cuộc đánh bắt diễn ra vào ban đêm, trên những con thuyền nhỏ, với khoảng từ 7 tới 25 thuyền viên. Họ sử dụng những chiếc đèn điện để dụ mực và rắn biển.

Việc buôn bán rắn biển phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Khoảng 20 năm trước, chỉ từ 20 đến 30 thuyền đánh bắt loài rắn biển. Ngày nay, khoảng 700 thuyền, gấp gần 30 lần so với 20 năm trước, khai thác và mỗi năm họ thu về 80 tấn rắn biển. Trong số đó, 7 loài rắn khác nhau sa lưới nhưng chủ yếu là rắn biển Hardwick và rắn biển sọc đen. 

Tại bờ biển, người ta nhanh chóng phân loại rắn theo kích cỡ. Một người lành nghề có thể phân loại từ 20 đến 30 kg rắn biển trong vài phút. Giả sử với loại rắn biển nhỏ nặng khoảng 500 g, họ có thể nhặt ra 60 con loại này chỉ với thời gian không quá 5 phút, bằng tay trần. Đôi khi họ còn đứng chân trần trong bể toàn rắn biển độc còn sống.
Việc bị rắn cắn là không thể tránh khỏi trong khi ngư dân tại khu vực này không có đủ số thuốc chống nọc rắn biển để sử dụng. Nếu ai đó bị rắn biển cắn, họ dùng dao cắt vào vết cắn, nặn máu độc ra ngoài. Một số khác dùng tỏi và bột nghiền từ sừng tê giác để chữa trị vết cắn. Những giải pháp này chỉ mang tính tình thế và nguy hiểm vẫn luôn rình rập người dân vùng vịnh. 

Lợi nhuận kinh tế là lý do khiến ngư dân và các thương lái “bỏ ngoài tai” những cảnh báo về sự nguy hiểm của rắn biển độc, Zoltan Takacs, làm việc tại Hiệp hội Địa lý quốc gia, cho biết. Nhóm của Zoltan đã chứng kiến 7 lần rắn biển tấn công ngư dân và thương lái trong hai mùa thu hoạch, nhưng may mắn không ai thiệt mạng. Người ta có thể sử dụng tất cả các bộ phận của rắn biển để chế biến thành thực phẩm hoặc dược phẩm, cung cấp cho các thị trường ở châu Á.

Đôi khi, người ta còn ngâm rắn trong rượu. Máu rắn có thể trộn lẫn với cồn. Người dân cho rằng sự kết hợp này sẽ đem đến cho họ sức khỏe tốt. Họ còn làm “dầu rắn biển”, dùng để chữa các bệnh nhẹ như đau lưng, đau khớp, mất ngủ và chán ăn.

Nhóm nghiên cứu của Zoltan lo ngại việc khai thác quá mức có thể làm cạn kiệt số lượng của một số loài tại Vịnh Thái Lan. “Chúng tôi không thể xác định mức độ phá hủy của việc đánh bắt đối với loài rắn biển và hệ sinh thái tại khu vực này”, Zoltan nói.





Nguyễn Thái

Ảnh: Zoltan Takacs/BBC

Bạn có thể quan tâm