Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đánh giá "ông Nguyễn Bá Thanh là bệnh nhân nghị lực nhất mà tôi từng biết". |
Gặp chúng tôi sau một ngày ông Nguyễn Bá Thanh ra đi, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, gỡ đôi kính mắt để lau vội dòng nước mắt. Nhiều lần gặp và lấy tư liệu từ bác sĩ Thạnh nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy ông tâm trạng đến vậy. Bác sĩ Thạnh tâm sự: Anh Thanh là bệnh nhân nghị lực nhất mà tôi từng biết.
“Thường thì bệnh nhân ung thư dù mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc rơi vào bi lụy, nhưng anh Thanh lại không bao giờ khóc. Lúc nào gặp anh em bác sĩ, ảnh đều giơ tay lên “dze” một cái, giao kèo sẽ chiến đấu đến cùng. Có khi là “chiến đấu” hết ly nước, hết muỗng cháo hay hết đợt thuốc”, bác sĩ Thạnh ngậm ngùi: “Tội quá! Nghị lực quá!”.
Dù cá nhân ông Thanh, gia đình, lãnh đạo thành phố đều muốn việc đón ông Thanh từ Mỹ trở về và công tác điều trị tiếp đó diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ như bao bệnh nhân khác. Tuy nhiên, với Bệnh viện Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh được chăm sóc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng nghĩa tình sâu đậm.
Dừng lại đôi phút lắng đọng, bác sĩ Thạnh tâm tư: “Anh Thanh quá tình nghĩa với thành phố nói chung và Bệnh viện Đà Nẵng nói riêng nên anh em chúng tôi đều mong muốn được hết lòng với anh. Ngoài Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương, Bệnh viện còn thành lập Ban chăm sóc sức khỏe cấp bệnh viện gồm đầy đủ lực lượng chuyên môn để ngày đêm bên anh. Từ chén cháo, viên thuốc hay bất cứ nhân lực, trang thiết bị cần thiết đều được đáp ứng. Dẫu vậy, mình có làm được gì cũng là điều nhỏ nhoi so với công lao anh đã cống hiến”.
Điều ê-kip chăm sóc ông Nguyễn Bá Thanh tiếc nuối nhất lúc này là không thể kéo dài thêm sự sống cho ông. “Hôm 22 tháng Chạp, ảnh nói anh em làm sao thu xếp cho ảnh về nhà ăn Tết một ngày rồi vào lại điều trị”, bác sĩ Thạnh rớm nước mắt.
Trong mười ngày cuối cùng, ông Nguyễn Bá Thanh trải qua 3 lần lọc máu, 1 lần lọc gan, nhưng vì diễn biến bệnh không thể hồi phục, nên sự tiên lượng thời gian chỉ có thể tính theo giờ. Từng phút giành giật sự sống, nhưng điều khiến ê-kip bác sĩ tâm phục khẩu phục bệnh nhân đặc biệt của mình đó là sự nặng lòng với cuộc đời.
Ngày 12/2, ông Thanh rơi vào hôn mê, nhưng trước đó 2 ngày, tức sáng 10/2, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào thăm, ông Thanh kéo ông Vinh sát tai thì thầm: “Còn những việc chưa làm xong với Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, hãy cố giải quyết giúp”.
10 ngày cuối đời, sức khỏe ông Thanh trở nặng, các bác sĩ phụ trách chuyên môn túc trực 100%. Đối mặt thường xuyên với những ca bệnh tương tự như vậy, nhưng lần này, mỗi khi nghe bệnh nhân kêu đau, bác sĩ và điều dưỡng không thể kìm nước mắt. “Nghe ảnh kêu đau, anh em rớt nước mắt”, bác sĩ Thạnh nói.
Trưa 13/2, ông Thanh ngưng tim. Sau một hồi cấp cứu, mạch đập trở lại và hô hấp được. Theo nguyện vọng của gia đình, ông được đưa về nhà khi còn thở và vĩnh viễn ra đi lúc vừa về đến nhà riêng. “Anh không khóc, không buông xuôi và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhưng anh đi rồi, những người còn lại đang khóc thương anh”, bác sĩ Thạnh nghẹn ngào.