'Nghề ăn xin' ở Thượng Hải
Ngoài "công việc" chính, nhiều kẻ ăn xin cho thuê trẻ em với giá 31,75 USD (khoảng 660 nghìn đồng), thậm chí có lần hơn 157 USD (khoảng 3 triệu đồng) mỗi ngày.
Cảnh sát điều tra 9.006 trường hợp ăn xin bị bắt từ ngày 1/1 đến 10/8. Nhờ đó, họ phát hiện nhiều kẻ ăn xin chuyên sử dụng trẻ em và người già để làm công cụ kiếm tiền. Một số tên thậm chí cho những người ăn xin khác thuê lại trẻ em với giá 200 NDT (650 nghìn đồng) mỗi ngày. Đường dây ăn xin của chúng được tổ chức tốt nên khi cảnh sát “hỏi thăm”, chúng liên lạc và báo động đồng bọn.
Theo luật, cảnh sát có thể giam giữ những người bị nghi thực hiện hoạt động ăn xin bất hợp pháp. Tuy nhiên, cảnh sát Thượng Hải chia sẻ, họ rất khó thu thập bằng chứng vì nhiều người dân ngại đứng ra làm chứng.
Ngoài ra, theo luật thì những nghi phạm nuôi dưỡng trẻ vị thành niên và người già hơn 70 tuổi sẽ không bị giam. Vì vậy, nhiều ăn xin chuyên nghiệp sử dụng trẻ em và người già làm tấm bình phong để thoát tội.
Một người già ăn xin trên tàu điện ngầm ở Thượng Hải. |
Để giải quyết vấn nạn trên, các chuyên gia cho rằng, chính quyền nên phân loại người ăn xin và đưa ra cách xử lý linh hoạt. Đối với trẻ vị thành niên, người tâm thần hay ngoại thành không có khả năng kiếm sống, chính quyền nên hỗ trợ họ nhiều hơn. Còn với những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, muốn lợi dụng lòng tốt của người dân, chính quyền nên có những quy định chặt hơn.
Theo Xie Xialing, một giảng viên tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, chính quyền nên tạo ra một khu vực đặc biệt trong thành phố cho phép người ăn xin hoạt động, thiết lập các trạm hỗ trợ cung cấp thức ăn và quần áo, đào tạo hướng nghiệp cho người khó khăn.
Tang Xiaotian, Phó Tổng Thư ký hội Luật Thượng Hải cho biết, những người tổ chức hoặc ép buộc người khác ăn xin để thu lợi nhuận sẽ bị phạt. Theo Tang, cảnh sát nên công bố thông tin về những tên ăn xin chuyên nghiệp và người tổ chức để giúp người dân phân biệt người gặp khó khăn và kẻ giả mạo.
Bình An
Theo Infonet.vn